Vào Việt Nam từ tháng 8 năm nay, Go-Viet được nhiều người kỳ vọng là đối thủ xứng tầm nhất với Grab sau khi tung hàng loạt chính sách khuyến mại “khủng” nhằm thu hút khách hàng. Xuất hiện trong chương trình Cafe Khởi Nghiệp sáng thứ 6, ngày 12/10, CEO Go-Viet Nguyễn Vũ Đức đã có nhiều chia sẻ liên quan đến chiếc lược cạnh tranh bằng giá này cũng như một số thông tin thú vị về chính bản thân anh.

Nói về những kinh nghiệm trước đây, anh Nguyễn Vũ Đức cho biết anh đã từng có gần 10 năm làm việc tại ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV, qua nhiều bộ phận khác nhau như định chế tài chính, bán lẻ, điện tử và quản lý vận hành. Thời kỳ ấy anh chỉ tập trung vào công việc và cũng không suy nghĩ gì nhiều.

Bảng thành tích “khủng” của CEO Go-Viet: Học MBA tại Harvard, tham gia triển khai Uber ở Việt Nam và giờ thì lập Startup đấu với Grab - Ảnh 1.

Từ 2015 đến 2018, Nguyễn Vũ Đức tham gia khởi nghiệp một công ty công nghệ tài chính (Fintech) với tên gọi TDC, tập trung xây dựng công nghệ chuyển tiền qua điện thoại di động và Facebook. Anh cũng là người góp phần triển khai Uber tại Việt Nam vào mùa hè 2014.

Bước ngoặt đến khi Nguyễn Vũ Đức tìm được học bổng ngành Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Harvard . Nhờ có hội này, từ năm 1 đến năm 2 anh tham gia thực tập tại Uber, tận mắt trải nghiệm Uber và dần hiểu ra yếu tố công nghệ có thể tác động rất lớn đến một ngành nghề và thậm chí là cả nền kinh tế.

“Sau đó tôi thay đổi hoàn toàn định hướng của mình, tôi về nước chọn theo hướng khởi nghiệp và phải làm gì đó liên quan đến công nghệ”, CEO Go-Viet chia sẻ trên sóng Cafe Khởi Nghiệp.

“Thời điểm ấy chúng tôi bàn với nhau nếu triển khai dịch vụ xe máy thì thật tuyệt vời, nhưng bên Uber rất lâu họ mới đưa ra quyết định. Tôi nghĩ một trong những yếu tố khiến Grab có thể áp đảo tại thị trường Việt Nam chính là lợi thế xe máy”, Nguyễn Vũ Đức nhận định.

Dù trước đây làm 10 năm trong ngành ngân hàng nhưng anh cho rằng những gì học hỏi được từ mảng này vẫn có ảnh hưởng lớn đến quá trình khởi nghiệp công nghệ, bởi công nghệ chỉ là một phần, phần còn lại là sự thấu hiểu về trường, về con người, cách vận hành, kinh nghiệm đối nhân xử thế, kinh nghiệm quản lý,…

“Tôi vẫn học được những điều ấy từ một ngân hàng lớn của Việt Nam, đó là BIDV. Bản thân con người tôi hôm nay cũng hình thành từ 10 năm đấy cộng thêm những gì tôi đã học được”, Nguyễn Vũ Đức khẳng định.

Giá chỉ là yếu tố lợi thế cạnh tranh, chứ không thể đi đường dài

Giá cả chỉ nên ở mức hợp lý để có lợi cho cả doanh nghiệp và người dùng vì doanh nghiệp khi kinh doanh vẫn cần có lợi nhuận”

Thời kỳ đầu vào Việt Nam, Go-Viet liên tục đưa ra các chính sách khuyến mãi về giá cho khách hàng với những chuyến đi 9.000-10.000 đồng hay thậm chí là chỉ 1.000 đồng. Tuy nhiên CEO Nguyễn Vũ Đức nhấn mạnh rằng giá chỉ là yếu tố đầu tiên để thu hút khách hàng. Nếu đi đường dài, cạnh tranh không thể dựa vào giá được mà quan trọng nhất là chất lượng dịch vụ và sự tiện lợi cho khách hàng.

“Suy cho cùng cả 3 yếu tố đó đều rất quan trọng: Phải làm sao để khách hàng dùng thử sản phẩm của mình, sau đó người ta thích và mình vẫn giữ được chất lượng như lúc ban đầu”.

“Giá cả chỉ là một cấu phần cơ bản thôi, là lợi thế về cạnh tranh chứ lâu dài thì không thể tạo nền tảng cho doanh nghiệp được. Giá cả chỉ nên ở mức hợp lý để có lợi cho cả doanh nghiệp và người dùng vì doanh nghiệp khi kinh doanh vẫn cần có lợi nhuận”, CEO Go-Viet khẳng định.

Trước ý kiến cho rằng người Việt thường yêu thích những sản phẩm giá rẻ , anh Nguyễn Vũ Đức cho biết người dùng nhìn qua có vẻ rất quan tâm về giá nhưng đi vào hành vi cụ thể sẽ thấy giá chỉ là một yếu tố tác động.

Anh lấy ví dụ thời điểm triển khai Uber tại Việt Nam, Uber yêu cầu khách hàng phải trả bằng thẻ tín dụng và lưu thông tin thẻ vào trong ứng dụng. Đa phần những người bạn thân nhất của anh đều không quan tâm, không muốn dùng vì nghi ngờ các vấn đề liên quan đến bảo mật. Tuy nhiên sau khi sử dụng rồi, những người này lại thấy quen dần, và không muốn rút thông tin thẻ ra nữa.

“Phải qua sử dụng, cảm nhận chất lượng và sự tiện ích mà mình nhận được thì khách hàng mới gắn bó lâu dài. Giá chỉ là sơ khai thôi”, CEO Go-Viet nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập nội dung bình luận của bạn.
Vui lòng nhập tên của bạn.