Ford đã lên sẵn kế hoạch “khai tử” Fiesta, Focus, Fusion (Mondeo), Taurus nhưng vẫn “tha thứ” Mustang. Điều đó cho thấy Mustang là dòng xe rất đặc biệt của thương hiệu Oval Xanh. Đặc biệt như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Một tượng đài của ngành công nghiệp xe hơi
Chiếc Mustang đặc biệt ở ngay tên gọi của nó. Năm 1960, Robert J. Eggert, Giám đốc thị trường của Ford, được vợ tặng quà sinh nhật là cuốn sách về ngựa có tiêu đề The Mustang, viết bởi Frank Dobie. Ông Eggert là 1 người rất thích ngựa và cũng trực tiếp nhân giống loài ngựa đua Quarter Horse, rất thích cuốn sách đó và dự định sẽ đặt tên Mustang cho 1 mẫu xe nào đó của Ford sau này.
Khi dự án chế tạo 1 chiếc coupe cỡ nhỏ được triển khai, những nhà thiết kế đã rất thích thú với cái tên Cougar, một loài báo nhanh nhẹn, mạnh mẽ. Những mẫu xe thử nghiệm đầu tiên đã mang trên mình logo mặt báo Cougar màu đỏ. Tuy nhiên, cũng có người thích cái tên Torino, và thực tế là trong 1 buổi thuyết trình nội bộ về mẫu xe này, cái tên Torino đã được sử dụng. Chưa hết, Henry Ford II, cố chủ tịch tập đoàn Ford, lại thích cái tên T-Bird II. Ông Eggert, với tư cách là người được giao trách nhiệm đi tìm những cái tên phù hợp cho mẫu xe này, cũng tự mình đề xuất cái tên Mustang, cho rằng “đây là cái tên đặc biệt dành cho một mẫu xe đặc biệt”.
Ông đã thuyết phục được ban lãnh đạo và kể từ đó, chiếc xe chuẩn bị bước vào giai đoạn sản xuất thương mại được chính thức đặt tên là Mustang. Tuy nhiên, Ford không thể sử dụng tên gọi Mustang tại thị trường Đức vì ở đây, hãng xe tải Krupp đang sản xuất 1 mẫu xe của họ với tên gọi Mustang. Ford từ chối mua bản quyền tên Mustang tại Đức với giá tiền 10.000 USD (tương đương 85.000 USD hiện tại) và bán Mustang tại Đức với tên gọi T-5 cho đến hết năm 1978.
Ngày 17 tháng 4 năm 1964, chiếc Mustang đầu tiên được giới thiệu tới công chúng với giá bán đầy hấp dẫn, chỉ từ 2.368 USD (tương đương 19.200 USD hiện nay). Một ngày trước đó (16/4), Ford đã chạy quảng cáo về mẫu xe mới này đồng loạt trên cả 3 kênh truyền hình lớn nhất nước Mỹ: ABC, NBC và CBS. Đó quả là một bài marketing tài tình, vì người Mỹ thực sự phát cuồng với mẫu coupe nhỏ gọn mới toanh của Ford.
Người dân Mỹ đã “tấn công” mọi đại lý Ford trên khắp cả nước. Tại đại lý Garland, Texas, có tới 15 người liên tục trả giá để sở hữu chiếc Mustang đầu tiên. Người thắng cuộc thậm chí còn … nhảy vào xe và ngủ qua đêm trong đó để chắc chắn rằng xe của ông không bị bán cho người khác cho đến buổi sáng hôm sau, khi hợp đồng của ông được hoàn tất. Đó là một sự sôi động chưa từng có trong lịch sử xe hơi nước Mỹ.
Ban đầu, Ford khá dè dặt khi chỉ đặt doanh số dự kiến 100.000 xe trong năm đầu tiên Mustang được bán ra. Tuy nhiên, chỉ ngay trong ngày đầu tiên mở bán, 22.000 người đã đặt mua chiếc “pony car” này! Không lâu sau khi Mustang được mở bán, mẫu xe này cũng xuất hiện tại giải đua Indianapolis 500 với tư cách là xe dẫn đoàn, và điều đó lại càng khiến “chú ngựa con” nổi như cồn. Tổng cộng, Ford đã bán được 418.812 chiếc Mustang sau 1 năm mở bán, và chỉ trong vòng 2 năm, doanh số Mustang đã chạm mốc 1 triệu xe!
Mustang là 1 canh bạc lớn đối với Ford trong tình cảnh hãng đang tìm kiếm 1 phân khúc xe thể thao mới, nhỏ gọn và rẻ hơn những chiếc xe cơ bắp tiêu chuẩn hồi đó, tiêu biểu là Pontiac Tempest. Nếu Ford thất bại với Mustang, họ sẽ đổ hàng chục triệu USD xuống biển (tỷ giá những năm 60) và nhiều khả năng sẽ thất thế trước đối thủ truyền kiếp General Motors. Tuy nhiên, họ đã thành công, và tất cả đều trở thành lịch sử.
Mustang vs Camaro
Ferrari và Lamborghini, WRX STi và Lancer Evolution, BMW M và Mercedes AMG, Toyota Camry và Honda Accord… Đó là những sự đối đầu đầy hấp dẫn trong thế giới xe và tất nhiên, sự so kè của Ford Mustang và Chevrolet Camaro cũng là một cặp đối thủ dường như được sinh ra là để cạnh tranh với nhau. Kể từ năm 1967, cặp đôi Mustang và Camaro đã tạo ra vô số câu chuyện thú vị mà cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn nhắc đến với sự thích thú tột độ. Hãy cùng điểm lại những cột mốc chính trong hơn nửa thập kỷ 2 dòng xe này cạnh tranh với nhau, trước khi đến với bài đánh giá chi tiết chiếc Ford Mustang GT đời 2019 ở bên dưới.
Năm 1967, không chịu ngồi yên trong khi Ford hốt bạc từ Mustang, GM lập tức trình làng Chevrolet Camaro nhằm cạnh tranh với mẫu xe 2 cửa 4 chỗ nhà Ford. Cũng giống như Mustang, Camaro suýt chút nữa được đặt tên là Panther (con báo) nhưng các lãnh đạo GM không thích cái tên này vì tại thời điểm đó, mọi mẫu xe của Chevrolet vẫn bắt đầu bằng chữ C. Thế là các nhân viên của GM bắt đầu tìm mọi cái tên tiềm năng bắt đầu bằng chữ C – họ đã nghĩ ra hơn 2.000 từ, đa phần trong số đó là từ … tự bịa, không có ý nghĩa!
Cuối cùng, cái tên Camaro được lựa chọn. Trong tiếng Pháp cổ, “Camaro” nghĩa là người bạn, đồng chí, hàm ý rằng chiếc xe là người bạn đáng tin cậy với khách hàng. Tuy nhiên, giới báo chí bắt đầu soi mói cái tên này, đào ra mọi ý nghĩa khôi hài trong các ngôn ngữ trên khắp thế giới, có người thậm chí còn tìm thấy “Camaro” có nghĩa là … con tôm trong tiếng Tây Ban Nha! Có ai muốn đặt tên “con tôm” cho chiếc xe cạnh tranh với “ngựa đua” không?
Cuối cùng, có vẻ như Chevrolet muốn chấm dứt mọi đàm tiếu về tên gọi chiếc xe thể thao nhỏ nhất của mình bằng một hành động đi vào sử sách. Vào ngày 12 tháng 9 năm 1966, tại buổi lễ ra mắt Camaro với báo chí, khi được hỏi về ý nghĩa cái tên Camaro, đại diện GM đã nói một câu bất hủ: “Camaro là một loài vật hung dữ chuyên ăn thịt ngựa Mustang”. Và thế là cuộc đua truyền kiếp giữa Ford Mustang và Chevrolet Camaro chính thức bắt đầu!
Với giá bán rẻ, thiết kế cuốn hút, nội thất rộng rãi, động cơ V6 tiêu chuẩn và V8 đầy mạnh mẽ, bộ đôi Mustangvà Camaro đã chinh phục không chỉ khách hàng Mỹ mà còn trên phạm vi toàn cầu. Cho đến thời điểm hiện tại, cả 2 dòng xe này đều đã bước vào đời sản phẩm thứ 6 và nhận được những cải tiến vượt trội so với đời xe trước. Không để các bạn phải chờ đợi lâu nữa, hãy cùng tôi trải nghiệm chiếc Ford Mustang GT 2019 với tùy chọn Performance Package Level 1 ngay bây giờ! Xe được phân phối bởi showroom Luxury Cars Phan Dũng với giá bán trên 4 tỷ đồng.
Ngoại thất đầy ấn tượng
Xe thể thao bắt buộc phải có ngoại hình ấn tượng và khác biệt, và Ford Mustang có thừa 2 yếu tố này. Tôi gọi Mustang là xe thể thao chứ không phải xe cơ bắp vì giờ đây, Mustang không chỉ là chiếc xe “chỉ biết đi thẳng” như cách người ta mỉa mai xe cơ bắp Mỹ nữa. Đặc biệt, chiếc Mustang GT này còn được trang bị gói tùy chọn hiệu năng cao Performance Package Level 1 nên xét riêng khả năng linh hoạt và trải nghiệm lái, chiếc xe này hứa hẹn sẽ không hề thua kém những mẫu xe thể thao nổi danh đến từ châu Âu. Vì vậy, đừng thấy “sai sai” khi tôi gọi Mustang là xe thể thao, những nâng cấp kỹ thuật để biến Mustang thành xe thể thao, tôi sẽ phân tích ở mục dưới.
Quay trở lại phần ngoại thất, có thể thấy bản facelift này sở hữu những điểm nhấn tạo ra khá nhiều tranh luận. Khi lần đầu được giới thiệu cuối năm 2013, Mustang thế hệ thứ 6 đã lột xác hoàn toàn so với đời 5 nhưng năm 2018, thời điểm chiếc Mustang facelift này ra đời, đã có rất nhiều lời chê bai về ngoại thất chiếc xe, điển hình là cụm đèn pha.
Thực sự mà nói, tôi vẫn thích cụm đèn của bản trước facelift hơn, dù cụm đèn full LED của chiếc Mustang đen này cũng có vẻ đẹp riêng. Đó là đôi mắt không dữ dằn như phiên bản cũ nhưng lại có hồn hơn. Kết hợp với tấm cản trước và mặt ca lăng tái thiết kế, đôi mắt này gợi đến hình ảnh 1 chiến binh già lão luyện kiểu “già gân” thay vì ánh mắt trẻ trung của bản trước facelift.
Tuy nhiên, hãy đừng để thẩm mỹ lấn át công năng, vì mặt ca-lăng lớn hơn giúp tăng hiệu quả của hệ thống làm mát động cơ, còn tấm cản trước với tấm khuếch tán gió lớn hơn giúp tăng hiệu quả khí động học của Mustang 2019. Theo Ford, khí động học được cải thiện kết hợp với hộp số 10 cấp hoàn toàn mới giúp chiếc Mustang GT tiết kiệm nhiên liệu hơn 6,5 % so với đời trước, dù động cơ thậm chí còn mạnh mẽ hơn.
Nhìn sang bên thân, ta sẽ thấy bộ la-zăng đặc trưng của gói Performance Package Level 1 (PP1), đi kèm lốp Michelin Pilot Sport 4S cỡ 255/40 R19 trước, 275/40 R19 sau. Ẩn sau la-zăng là bộ phanh hiệu suất cao của Brembo với các đĩa phanh lớn hơn tiêu chuẩn, các cùm phanh trước bao gồm 6 pít-tông, cùm phanh sau 4 pít-tông. Chưa hết, hệ thống treo trước được tinh chỉnh với các lò xo cứng hơn, lưới tản nhiệt lớn hơn, bổ sung thanh kết nối 2 thanh giảm chấn trước (strut brace), thanh cân bằng sau lớn hơn, vi sai Torsen “nhanh” hơn với tỷ số truyền 3,55:1, các hệ thống điều khiển hệ thống treo điện tử, ESC, ABS, EPAS cũng được nâng cấp. Gói PP1 này có giá 4.000 USD tại Mỹ!
Cuối cùng là cánh gió sau được bổ sung và chiếc Mustang GT này cũng sở hữu hệ thống xả thể thao với van on/off điều khiển điện. Bây giờ thì bạn biết vì sao chiếc Mustang GT này đắt hơn khá nhiều so với giá mặt bằng chung rồi chứ?
Nội thất ngập tràn tiện nghi
Chiếc Mustang GT mà tôi trải nghiệm là phiên bản “full tới nóc” nên không khó hiểu khi nội thất của chiếc xe này có đầy đủ mọi tính năng tiện nghi mà bạn mong muốn. Hãy bắt đầu từ chiếc vô lăng của Mustang GT. Chiếc vô lăng này tương đối lớn so với 1 chiếc xe thể thao 2 cửa nhưng chỉ cần “vần” vài vòng, bạn sẽ thấy thích cảm giác cầm nó. Viền vô lăng dày dặn, được bọc da rất mềm và điểm xuyết những chi tiết mạ crôm sáng bóng, nổi bật nhất là logo ngựa ở giữa.
Điều tôi thích nhất của cái vô lăng này là dù đây là 1 chiếc xe thể thao nhưng mọi tính năng cần thiết đều xuất hiện: các phím chức năng điều khiển âm thanh, menu điều hướng, điều khiển ga tự động có thích ứng (bám đuôi xe phía trước). Điều tôi cực “ưng” là phím tắt dẫn đến menu điều nghe nhạc – tại sao các hãng xe khác không áp dụng 1 nút đơn giản và hiệu quả như vậy?
Chiếc Mustang GT này có tùy chọn loa Bang & Olufsen 12 loa vệ tinh, thay thế dàn âm thanh 9 loa tiêu chuẩn khá “í ẹ” chỉ với 895 USD tại Mỹ. Thực sự, đây là chiếc Mustang đủ đồ nhất ở Việt Nam mà tôi từng chiêm ngưỡng. Một chi tiết nhỏ nữa nhưng cũng rất thú vị trên vô lăng là 1 nút nhỏ hình con ngựa. Ấn nút này, bạn sẽ vào 1 menu tùy chỉnh phụ, trong đó nổi bật nhất là tính năng rất quen thuộc: Launch Control.
Mọi chi tiết khác trong khoang nội thất Mustang GT 2019 cũng thú vị không kém. Đó là màn hình LCD kích thước lên tới 12 inch phía sau vô lăng. Đó là một phần trong gói tùy chọn 401A có giá 2.200 USD, bên cạnh hệ thống sưởi vô lăng, tính năng giao tiếo với xe bằng giọng nói, Cảnh báo điểm mù, Hỗ trợ giữ làn, nhớ ghế lái 3 vị trí, đèn nền nội thất, phát wifi cho 10 thiết bị kết nối và 1 tính năng rất thú vị: FordPass. Đó là một phần mềm trên điện thoại của bạn, với nó, bạn có thể khởi động xe từ xa, đặt lịch khởi động xe từ xa, khóa/mở khóa cửa, tìm chỗ đậu xe, xem tình trạng xe v.v.. Thực sự, với 2.200 USD (giá tại Mỹ), bạn nhận được rất nhiều tiện ích hiện đại!
Quay trở lại với màn hình đóng vai trò là bảng đồng hồ sau vô lăng, bạn có thể tùy chỉnh nó với nhiều chế độ hiển thị và nội dung hiển thị khác nhau. Chỉ riêng việc ngồi lựa chọn chế độ hiển thị ưng ý nhất cũng đốt của bạn cả tiếng đồng hồ! Màn hình vô cùng sắc nét với giao diện hiện đại, tôi rất thích dải đèn xanh lá cây chạy theo kim tua vòng máy, thật ngầu làm sao!
Thậm chí, những thông tin như tình trạng động cơ, lực gia tốc theo trục X, Y, áp suất lốp v.v.. cũng được hiển thị nếu bạn cần. Thực sự, màn hình này là thứ Mustang vượt trội so với đối thủ Camaro. Đáng tiếc là nó là tùy chọn thêm tiền trên các bản Mustang EcoBoost, nhưng là tiêu chuẩn với Mustang GT cao cấp.
Bảng táp lô của Mustang cũng có nhiều chi tiết thú vị. Nổi bật nhất là 2 đồng hồ cơ hiển thị áp suất dầu máy và áp suất chân không trong cổ góp khí nạp, tất nhiên 2 đồng hồ này chỉ mang tính chất thẩm mỹ là chính, vì rất nhiều cảm biến trong động cơ sẽ thông báo cho ECU những thông tin cần thiết. Chạy ngang bảng táp lô là 1 tấm nhựa được in họa tiết phay kiểu “Engine Spun” giống hệt với kiểu họa tiết trên những mẫu Bentley Speed. Tất nhiên, trên Bentley, ta có 1 tấm nhôm được phay bằng máy chứ không phải nhựa in họa tiết.
Một tiện ích khác là màn hình cảm ứng 8 inch chạy giao diện Sync 3, tiêu chuẩn trên Ford Mustang GT và là tùy chọn trên bản 2.3L EcoBoost. Màn hình này mượt mà và dễ nhìn như thế nào thì có lẽ ta đều đã rõ.
Những nút bấm ở bảng điều khiển trung tâm vẫn mang phong cách hầm hố, cơ khí đặc trưng của xe Mỹ. Đảo mắt quanh một vòng, tôi thấy 1 chi tiết rất đặc biệt: nút đề máy. Trên bản Mustang facelift, nút đề này nháy sáng đỏ 30 nhịp mỗi phút, tương đồng với nhịp tim lúc nghỉ ngơi của loài ngựa Mustang! Đây là 1 chi tiết nhỏ nhưng rất thú vị, có lẽ Ford “học hỏi” từ nút đề của những chiếc Jaguar!
Ghế ngồi cũng là điểm cộng lớn với Ford Mustang GT facelift. Ghế êm hơn, ôm người hơn so với Camaro và chiếc Mustang GT 2019 này còn có cả tính năng làm mát và sưởi ghế. Mọi ghế ngồi cũng được bọc da tương đối cao cấp, xịn hơn nhiều kiểu ghế nỉ tiêu chuẩn trên một số mẫu Mustang 2.3L EcoBoost về Việt Nam trước đó. Như thường lệ, ghế sau chỉ dành cho trẻ em dưới 10 tuổi và ngay cả khi trẻ em ngồi ở hàng sau, chúng cũng sẽ không mấy thoải mái vì chỗ để chân chật chội và lưng ghế dựng đứng, không có tựa đầu.
Dù vậy, nhìn chung thì chiếc Ford Mustang GT 2019 này cũng sở hữu một khoang nội thất đầy đủ tiện nghi cho 2 người lớn cho 1 chuyến đi dài. Hàng ghế sau có thể tận dụng để chứa đồ cho những chuyến du lịch dài ngày. Vậy, trải nghiệm với chiếc xe này liệu có tương xứng với giá bán khoảng 4 tỷ đồng?
V8 – thứ khiến 1 chiếc Mustang đặc biệt
Động cơ I4 EcoBoost với dung tích 2,3 lít tiêu chuẩn của Mustang cũng khá mạnh mẽ với 310 mã lực nhưng thực sự, đã chơi xe thể thao Mỹ ở Việt Nam mà không “cố” mua bản V8 thì thực sự là quá đáng tiếc! Từ trước đến nay, động cơ V8 của Mustang vẫn luôn là thứ gì đó đặc biệt nhưng với bản facelift này, động cơ V8 5.0L Coyote đời 3.0 đã được nâng lên 1 tầm cao mới!
Trên giấy tờ, đây vẫn là động cơ 5.0L giống như bản trước facelift nhưng nếu phân tích kỹ, ta thấy thể tích buồng đốt của khối Coyote 3.0 của Mustang GT facelift đã tăng 1 chút so với người tiền nhiệm Coyote 2.0. Nguyên nhân là do động cơ V8 5.0L mới không sử dụng vòng lót xy-lanh mà được phủ một lớp Molypden cực mỏng theo mạng lưới dàn đều. Thay đổi này nâng dung tích thực tế của động cơ từ 4.951 cc (bản 2015-2017) lên thành 5.038 cc (bản facelift từ 2018 trở đi). Chưa hết, tỷ số nén cao hơn (12:1 thay vì 11:1), tua vòng tối đa cao hơn (7.500 v/p so với 7.000 v/p) cũng giúp khối V8 5.0L mới đạt công suất tối đa 460 mã lực (tăng 25 mã lực so với bản cũ) và đạt lực mô-men xoắn tối đa 570 Nm (tăng 27 Nm).
Những con số trên không phải là quá vượt trội nhưng chỉ riêng việc Ford tiếp tục phát triển dòng động cơ DOHC, nạp khí tự nhiên này cũng là điều xứng đáng được tán dương rồi! Hiện nay, số dòng xe thương mại sở hữu động cơ V8 nạp khí tự nhiên có lẽ cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, và một trong số đó là kỳ phùng địch thủ Chevrolet Camaro SS dù nếu so sánh 1 cách chi tiết, động cơ của Ford Mustang GT “hi-tech” hơn nhiều.
Hệ thống xả với các van điều khiển điện cũng là điểm đáng lưu ý trên Mustang GT. Một trong những điểm hấp dẫn nhất của 1 khối động cơ chấm lớn nạp khí tự nhiên là tiếng gầm của nó. Ống xả tùy chọn của Mustang GT có tới 4 chế độ hoạt động. Đầu tiên là Normal, tiếp theo là Quiet Mode, Sport Mode và Track Mode. Có lẽ ta đã quá quen thuộc với 3 chế độ Normal, Sport và Track rồi, điều thú vị nằm ở chế độ Quiet Mode. Khi kích hoạt chế độ này, 2 van ở 2 ống xả phía trong đóng lại, tức là chỉ còn 2 ống xả bên ngoài còn hoạt động. Điều này khiến cho âm thanh nhỏ đi rất nhiều để bạn sẵn sàng đóng vai 1 người hàng xóm tốt bụng và ý thức!
Một thay đổi lớn nữa của Mustang facelift là hộp số tự động 10 cấp sẽ thay thế hộp số 6 cấp trước đây. Đây là hộp số Ford đã phối hợp nghiên cứu cùng General Motors (ngạc nhiên chưa!) để giảm bớt chi phí và rút ngắn thời gian thử nghiệm, nhanh chóng thương mại hóa hộp số ưu việt này. Nhờ việc có tới 10 cấp số với tỷ lệ truyền giữa các cấp số là rất sát nhau, khả năng tăng tốc của Ford Mustang GT là vượt trội so với bản số sàn 6 cấp, cũng như bản số tự động 6 cấp trước đây. Mẫu xe này chỉ cần 4 giây để chạm mốc 100 km/h, hoàn thành đường drag 403 mét chỉ trong 12,1 giây thay vì 12,6 giây với bản số sàn. Việc showroom nhập khẩu mẫu xe này lựa chọn hộp số tự động thay vì số sàn cũng rất phù hợp với tâm lý khách hàng Việt Nam.
Mustang đời thứ 6 cũng là lần đầu tiên sau 50 năm, dòng xe này nhận được hệ thống treo sau độc lập! Đúng vậy, cho đến hết đời thứ 5, Mustang vẫn sử dụng treo sau phụ thuộc giống như những chiếc xe bán tải hiện nay. Đó cũng là lý do vì sao sự linh hoạt và ổn định khi cua chưa bao giờ là thế mạnh của dòng Mustang, và lái những chiếc Mustang cũng khiến bạn toát mồ hôi hột như cưỡi ngựa hoang vậy! Việc Mustang đời thứ 6 sở hữu hệ thống treo sau độc lập cũng là lý do tôi gọi đây là 1 chiếc xe thể thao, và đặt tiêu đề “Ngựa không còn hoang” cho bài đánh giá này. Vậy, hệ thống treo sau độc lập (IRS) mang lại ưu điểm gì?
Thời trước, khi công nghệ thiết kế 3D chưa thịnh hành thì những hệ thống IRS sơ khai rất nặng nề và có chi phí sản xuất đắt đó, trong khi treo phụ thuộc thì rẻ hơn, nhẹ hơn. Vì lẽ đó, dù Ford đã nung nấu ý định áp dụng hệ thống treo độc lập vào dòng Mustang từ rất lâu rồi nhưng vì lí do chi phí, phải đến thế hệ thứ 6 thì họ mới có thể thương mại hóa IRS. Ưu điểm đầu tiên của IRS là giảm trọng lượng không được nâng đỡ bởi hệ thống treo (unsprung weight). Với hệ thống treo phụ thuộc, tất cả bánh xe, phanh, trục láp, vi sai đều là unsprung weight, cùng dao động khi xe qua ổ gà. Chính vì thế, dao động đó bị dội vào cabin nhiều hơn, giảm sự êm ái cho hành khách và giảm sự cân bằng thân xe. Với hệ thống treo độc lập, chỉ có bánh xe, phanh và các thanh kết nối của hệ thống treo là unsprung weight, qua đó tăng độ êm ái và cân bằng cho chiếc xe.
Hệ thống treo mới, động cơ mới và hộp số mới là 3 yếu tố khiến trải nghiệm của tôi với Ford Mustang GT 2019 thực sự khác hẳn so với những gì tôi biết trước đây. Để chế độ lái Normal, vô lăng cũng khá nặng nhưng cảm nhận mặt đường tốt, để để tôi phân biệt lúc nào mình đang đi trên mặt đường có cát hay mặt đường nhựa. Hộp số 10 cấp sang số vô cùng êm ái và hiệu quả, trong khi khối động cơ V8 5.0L mang đến lực kéo rất đáng kể ở tua vòng thấp nhưng lại cho âm thanh tương đối hiền hòa với tùy chọn ống xả ở chế độ Quiet Mode. Thực sự, đây là chế độ “Dạo Phố”, khi bạn cần đi tà tà, kéo cửa kính xuống và vãn cảnh. Điều duy nhất thiếu sót trên chiếc Mustang này là tùy chọn giảm chấn từ tính MagneRide – nếu có nó thì thực sự, nếu chỉ chạy Mustang kiểu hiền hòa dạo phố, nó sẽ êm ái chẳng kém xe sang đến từ Đức!
Mọi thứ trở nên thú vị hơn với chế độ lái Sport Plus. Bật chế độ ống xả sang Track Mode và chiếc Mustang thực sự tỉnh giấc. Tiếng gầm chát chúa từ khối động cơ V8 lấn át mọi âm thanh khác, và dù không cho cảm giác tăng tốc nhanh đến chóng mặt như những siêu xe V8 đắt tiền nhưng gia tốc của Mustang GT vẫn đủ khiến bạn “dính lưng”. Tiếng gầm đặc trưng đầy chất Mỹ của khối V8 5.0L trục khuỷu dạng cross-plane là thứ chắc chắn phiên bản EcoBoost 2.3L không thể bắt chước, cho dù bạn có độ đẽo thế nào đi chăng nữa. Tuy nhiên, nếu chỉ “gào to” thì Mustang đời trước cũng có thể làm được, chiếc Mustang GT này thể hiện sự khác biệt khi vào cua!
Tôi chưa từng trải nghiệm 1 chiếc Mustang nào có được sự cân bằng tuyệt vời như Mustang GT 2019 khi vào cua ở tốc độ cao. Đó là hiệu quả của hệ thống treo sau độc lập và gói hiệu năng cao Performance Package Level 1. Nếu muốn biểu diễn những pha vào cua trượt bánh mù mịt khói, bạn cũng chỉ cần tắt hệ thống cân bằng điện tử, đánh lái gấp hơn, đạp ga sâu hơn. Hệ thống phanh Brembo cho thấy chúng quá thừa sức mạnh để mang lại sự yên tâm tuyệt đối trên đường phố, đơn giản vì chúng được sinh ra để chiếc Mustang GT thỏa sức vùng vẫy trong trường đua.
Tuy nhiên, khi lái Mustang GT với sự phấn khích thì hộp số 10 cấp lúc này mới bộc lộ điểm yếu của 1 hộp số được thiết kế để “đá cặp” với nhiều loại động cơ khác nhau. Nếu để nó tự sang số, hộp số này luôn có xu hướng chuyển đến các cấp số cao hơn mong muốn để tiết kiệm xăng còn nếu bạn tự sang số, nó không thực sự nhạy bén như kỳ vọng. Độ trễ khi sang số bằng tay với hộp số 10 cấp này là chấp nhận được trên 1 chiếc Everest hay Ranger nhưng là không phù hợp với một chiếc xe thể thao như Ford Mustang. Nhìn chung, nếu bạn là 1 kẻ mê lái, hộp số sàn 6 cấp vẫn mang lại trải nghiệm hoàn thiện hơn!
Kết luận
Ford Mustang GT với giá bán trên 4 tỷ đồng là một lựa chọn tương đối kén khách hàng tại Việt Nam. Bạn có thể lựa chọn BMW M2, Porsche 718 Cayman/Boxster hay Audi TT chính hãng nếu bạn yêu thích xe thể thao châu Âu. Tuy nhiên, nếu bạn thích xe Mỹ, bắt buộc phải sở hữu động cơ V8 và yêu thích tiếng gầm đặc trưng của động cơ chấm lớn, Ford Mustang GT là lựa chọn không thể phù hợp hơn.
Điểm: 8/10
Ưu điểm:
– Tốt hơn mọi mặt so với phiên bản trước
– Động cơ V8 5.0L nạp khí tự nhiên
– Thiết kế và trải nghiệm xứng đáng giá bán
Nhược điểm:
– Giá bán cao so với xe chính hãng
– Chất lượng vật liệu nội thất chưa tương xứng giá bán
– Thiếu sự hỗ trợ chính hãng khi so với xe Đức