Từ lắp ráp trong nước đổi sang nhập Indonesia rồi quay trở về vạch xuất phát, Toyota Fortuner đứng trước nhiều cơ hội cạnh tranh mới.
Mẫu SUV hạng D ăn khách nhất tại Việt Nam có khả năng sẽ được lắp ráp trong nước. Mặc dù Toyota Việt Nam chưa công bố chính thức, theo thông tin từ phía đại lý, những chiếc Fortuner nhập khẩu cuối cùng đã về. Hơn nữa, theo thống kê của VAMA, doanh số Fortuner sụt giảm mạnh 56% sau một tháng cũng là một yếu tố góp phần minh chứng cho điều đó. Xe lắp ráp sẽ xuất hiện ngay trong năm nay, còn thời gian cụ thể chưa được tiết lộ.
Toyota Fortuner lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam dưới dạng lắp ráp trong nước vào tháng 2/2009. Đến tháng 10/2016, Toyota giới thiệu Fortuner thế hệ mới, đồng thời tuyên bố đổi sang nhập khẩu từ Indonesia để hưởng thuế nhập khẩu 0%. Xe được bán ra từ tháng 1/2017. Sau 2 năm rưỡi gặp nhiều sóng gió, Fortuner lại rục rịch được lắp ráp trở lại, nhưng là mẫu cũ chứ chưa phải một bản nâng cấp hay thế hệ mới.
Xe nhập đối mặt nhiều thách thức
Một tương lai tươi sáng vẽ ra trước mắt Fortuner vào năm 2017 khi thuế nhập khẩu của mẫu xe này sẽ về 0% kể từ năm 2018. Tuy nhiên, rào cản bất ngờ của Nghị định 116 khiến Fortuner phải bán lay lắt trong những tháng đầu năm 2018. Thậm chí, có tháng doanh số mẫu SUV này về con số 0. Xe khan hàng, đại lý hét giá phụ kiện hàng trăm triệu đồng. Người tiêu dùng chịu thiệt thòi, mà doanh nghiệp cũng gặp khó về lợi nhuận khi không có xe bán.
Từ tháng 8/2018, lượng hàng Fortuner bắt đầu về đều đặn trở lại. Cái tên Fortuner lại chễm trệ vị trí đầu bảng doanh số trong phân khúc SUV hạng D và lọt top 10 xe bán chạy trong VAMA. Mặc dù vậy, Fortuner vẫn chưa nằm trong “vòng an toàn”. Chính phủ đang khuyến khích nội địa hoá ô tô. Xe nhập có thể được “thả cửa” trong thời gian này nhưng tương lai vẫn chưa được định hình rõ ràng.
Chuyển sang lắp ráp cùng nhiều cơ hội mở ra
Việc lắp ráp Toyota Fortuner trở lại sẽ có những mặt lợi nhất định. Ảnh minh hoạ.
Chính phủ đang tạo điều kiện cho ô tô nội. Các Nghị định mới được ban hành, các đề xuất mà Bộ đưa ra đều khuyến khích lắp ráp ô tô trong nước.
Đơn cử đề xuất mới của Bộ Tài chính về thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với ô tô nội địa dưới 9 chỗ ngồi, là tính thuế TTĐB với giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Hiện tại, giá tính thuế TTĐB là giá cơ sở sản xuất bán ra.
Ngoài ra, theo Nghị định 125/2017, linh kiện ô tô nhập khẩu được ưu đãi thuế còn 0% khi đơn vị lắp ráp xe đáp ứng được một số điều kiện nhất định về sản lượng. Toyota Việt Nam là một trong số ít doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để được hưởng ưu đãi đó.
Nếu đúng Fortuner được lắp ráp tại Việt Nam, đây sẽ là mẫu SUV duy nhất trong phân khúc được nội địa hoá. Chevrolet Trailblazer, Mitsubishi Pajero Sport, Isuzu mu-X và mới nhất là Nissan Terra đều được nhập từ Thái Lan, ít khả năng được chuyển đổi sang lắp ráp trong nước. Lợi thế về nguồn cung sẽ giúp Fortuner tăng sức cạnh tranh với các đối thủ, mặc dù mẫu xe này luôn vượt trội hơn hẳn về doanh số.
Trái ngược với Fortuner, Camry được chuyển từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu Thái Lan. Có lẽ đây là động thái cân đối lại danh mục sản phẩm nhập khẩu và lắp ráp của Toyota Việt Nam, khi Camry có doanh số không thực sự tốt, mà Fortuner lại thuộc top 3 xe bán chạy của liên doanh Nhật Bản.