Chiếc Nissan Teana là bản TA, nhập Đài Loan, đời 2010. Chủ xe vẫn đang sử dụng bình thường trong suốt 9 năm và chưa có ý định đổi.
Tôi đang sử dụng một chiếc Nissan Teana 2.0 TA đời 2010, nhập Đài Loan. Tính đến nay, xe đã bước sang tuổi đời thứ 9 và trải qua suýt soát 190.000 km. Đường nội thành Hà Nội có, mà đường đi tỉnh cũng có. Có chặng hành trình kéo dài từ tận Hà Nội đến Huế. Sắp tới, tôi còn có dự định xuyên Việt với chiếc Teana.
Một chiếc xe bền bỉ với chi phí nuôi chấp nhận được
Nissan Teana 2010 là chiếc xe bền bỉ. Ảnh minh hoạ.
Xe nào cũng vậy, các chi tiết đều có độ tuổi của nó. Tôi không thay thế theo định kỳ mà cảm giác hỏng hóc, hao mòn mới bắt đầu thay.
Trước tiên, bộ lốp tôi thay ở mốc 80.000 km và 150.000 km. Tôi thay ngoài chứ không vào hãng. Chi phí cho 4 chiếc lốp là 8,5 triệu đồng. Tôi chủ yếu đi đồng bằng. Một món đồ khác tôi cũng thay ngoài là cao su càng A. Chi phí cả đồ cả công ép cao su là 1,4 triệu đồng. Càng A vào hãng chỉ có thay mới, mặc dù bộ phận bị hỏng hóc là cao su.
Các linh kiện, phụ tùng còn lại tôi thay đồ trong xưởng chính hãng hết. Bugi thay 2 lần, một lần ở mốc 140.000 km và lần còn lại ở 180.000 km. Lần đầu làm ngoài và lần sau thay đồ trong hãng, cảm nhận của tôi là lần sau tốt hơn. Bi moay-ơ bánh 2 bánh trước thay lúc 120.000 km. Puly máy phát thay lúc 110.000 km, hết 3 triệu. Một giảm xóc trước thay hết 3 triệu. Đó là các món lớn nhất, còn lại chi phí loanh quanh 1 triệu đồng. Cao su bát bèo và rô-tuyn trước đã thay 2 lần. Về điện, màn hình và ổ đĩa đã phải sửa 2 lần. Rơ-le còi sửa 1 lần.
Đồ đến tuổi thì phải thay, mà chi phí không đắt. Ảnh minh hoạ.
Còn về sửa chữa, tôi đã phải sửa thước lái một lần ở mốc 170.000 km chứ không phải thay. Xe đưa vào hãng. Chi phí hết 2 triệu đồng. Khoản này hãng làm tốt nên cũng yên tâm. Két nước phải hàn 2 lần. Tôi không rõ những chiếc Teana khác có hay bị thủng két nước như vậy không?
Xe có nhược điểm là gầm khá thấp nên hay bị sạt gầm. Tôi bị bay mất lót gầm một lần. Đèn gầm đã phải thay 2 lần do bị nước vào gây cháy bóng. Đường Hà “Lội” khổ thế đấy.
Với một chiếc xe 9 năm tuổi và đã lăn bánh gần 19 vạn km, các chi tiết như vậy theo tôi là khá bền. Chi phí sửa chữa như vậy là chấp nhận được. Về khoản bảo dưỡng, tôi thực hiện khá thường xuyên.
Mỗi năm tôi bỏ khoảng 8 triệu đồng mua bảo hiểm. Cũng bởi vậy mà những vết xước xát sơn lại bảo hiểm chi trả hết. Một khoản phí nữa phải bỏ ra là thay dầu, bảo dưỡng định kỳ, tuy nhiên cũng tiết kiệm.
Động cơ ổn tuy hơi hao xăng
Xe không bốc và hơi hao xăng. Ảnh minh hoạ.
Xe không bốc do xác nặng. Máy 2 lít trên Teana cho công suất khoảng 134 mã lực phải gánh chiếc xe cồng kềnh nặng tới gần 1,5 tấn (chưa kể xăng, người ngồi và hành lý). Nhưng đã lái quen xe rồi, biết tận dụng đà thì không vấn đề gì cả. Với nhu cầu đi lại như hiện giờ, tôi thấy động cơ này ổn, đủ dùng.
Tất nhiên, máy móc đâu có thể như mới sau quá trình sử dụng lâu như vậy. Theo thời gian, máy ồn hơn và có độ “rơ” nhất định. Tôi đang tìm hiểu phương án xử lý nhưng mang xe đến hãng kiểm tra, họ bảo chưa cần, xe vẫn “ngon”.
Nhận định chung
Sau gần 190.000 km sử dụng, tôi thấy xe có nhiều ưu điểm và cũng tồn tại không ít nhược điểm. Điểm mạnh của chiếc Teana là độ rộng rãi, vận hành êm ái, cảm giác lái tương đối tốt và “trộm vía” ít hỏng vặt. Những gì đến lúc lão hoá thì cần thay thôi, tương tự như mọi chiếc ô tô bình thường khác.
Nhược điểm của xe là ăn xăng. Điểm yếu tiếp theo là đèn khá tối. Tôi không độ đèn vì tôi chỉ thích một chiếc xe nguyên bản. Nội thất có chi tiết ghế da xuống khá nhiều. Bề mặt da bị nhăn, mặc dù ngồi khá êm ái. Có thể do tôi hơi nặng cân một chút nên ghế bị xuống mã nhanh. Ngoài ra, màn hình cảm ứng trung tâm chưa ổn lắm. Giao diện màn hình không đẹp, mà cảm ứng cũng không nhạy.
Một số hình ảnh chiếc Nissan Teana 2010 sau gần 190.000 km: