Nâng cấp, điều chỉnh lại giá bán là cách để những mẫu xe có doanh số thấp vươn lên.
Những mẫu xe có doanh số thấp hoặc sẽ bị khai tử, hoặc được làm mới để kéo lại khách hàng. Thời điểm chuyển giao 2018, khi Nghị định 116 có hiệu lực, là lúc chứng kiến sự biến mất của rất nhiều mẫu xe và sự góp mặt của những sản phẩm mới.
Bắt đầu từ giữa năm 2019, nhiều mẫu xe mới và bản nâng cấp mới đồng loạt ra mắt, trong đó có những mẫu trước đây đã có kết quả kinh doanh không mấy ấn tượng. Subaru Forester, Suzuki Ertiga và Toyota Avanza là những ví dụ điển hình.
Subaru Forester
Forester năm nay không có thay đổi về thiết kế và trang bị. Subaru chọn cách khác để khiến mẫu SUV này trở nên hấp dẫn hơn và có khả năng cạnh tranh cao so với các đối thủ.
Subaru Forester được chuyển từ nhập Nhật sang nhập Thái Lan, hưởng ưu đãi thuế, giá giảm tới khoảng 400 triệu đồng – tương đương giá bán một chiếc VinFast Fadil. Giá khởi điểm của mẫu xe này từ 1,128 tỷ đồng. Không những vậy, nhà phân phối còn đưa ra ưu đãi cho những khách hàng đặt mua xe đầu tiên với giá từ 990 triệu đồng.
Mặc dù không có doanh số cụ thể, Forester dễ dàng được nhận ra là xe có sức bán không cao. Giá cũ từ hơn 1,4 tỷ đồng cao hơn phiên bản cao cấp của Hyundai Santa Fe tới khoảng 150 triệu đồng. Tuy nhiên, mức giá mới lại khá hấp dẫn, thấp hơn bản tiêu chuẩn của mẫu SUV Hàn Quốc (995 triệu đồng), phả “hơi nóng” lên nhiều mẫu xe khác như Mazda CX-5 hay Honda CR-V.
Suzuki Ertiga
Ertiga gần như biến mất khỏi thị trường từ đầu năm 2018 với chỉ 29 xe bán ra trong năm. Nguyên nhân đến từ Nghị định 116. Trước đó, Ertiga cũng không phải xe có sức bán tốt trong phân khúc. Cả năm 2017, chỉ có 450 chiếc Ertiga bán ra. Tính trung bình, mỗi tháng, Suzuki chỉ bán được… khoảng 38 chiếc.
Lần đổi mới năm nay đưa Ertiga trở thành mẫu xe du lịch được đặt kỳ vọng cao về doanh số. Suzuki muốn bán được khoảng 1.000 chiếc Ertiga mỗi tháng. Đại lý hiện đã nhận đặt cọc xe chờ giao tới tận cuối năm – tình trạng cầu vượt cung như Xpander.
Không giống Forester là tập trung điều chỉnh giá bán, Ertiga lột xác cả trong thiết kế, trang bị và mức giá thấp nhất phân khúc. Thiết kế mẫu MPV này thanh lịch và lớn hơn trước. Giá từ 499 triệu đồng ắt hẳn khiến nhiều đối thủ phải dè chừng. Bản AT cao cấp nhất giá 549 triệu đồng, thấp hơn bản MT tiêu chuẩn của Xpander – top doanh số MPV nửa đầu 2019. Xe được nhập nguyên chiếc từ Indonesia nhưng Suzuki Việt Nam có tính đến việc lắp ráp trong nước nếu đủ kiều kiện.
Toyota Avanza
Theo ý kiến từ nhiều khách hàng, điểm yếu của Avanza là thiết kế. Mẫu MPV từ khi mở bán tại Việt Nam chỉ có doanh số vài chục xe mỗi tháng, dù khi đó được gắn mác xe rẻ nhất phân khúc lại mang thương hiệu Toyota. Tổng kết nửa đầu năm 2019, chỉ có 376 chiếc Avanza bán ra.
Lần nâng cấp facelift này của Avanza thay đổi đúng điểm yếu đó. Thiết kế tổng thể mẫu xe này vẫn vậy nhưng phần đầu đã khác, hiện đại hơn. Đuôi xe cũng thêm cá tính. Nội thất sang trọng hơn với bảng điều khiển trung tâm được làm mới, thay những núm xoay lỗi lời bằng nút bấm và màn hình điện tử. Hệ thống âm thanh cũng được nâng cấp.
Giá Avanza tăng nhưng không cao. Bản AT cao cấp nhất tăng giá 19 triệu đồng. Toyota Avanza cũng là một đối thủ của Suzuki Ertiga.