Chúng tôi giới thiệu bài viết của Michael Tatarski về khả năng thành công của thương hiệu ô tô VinFast trên tờ South China Morning Post.

VinFast tham vọng trở thành thương hiệu ô tô quốc gia của Việt Nam. Họ xuất phát điểm bằng cách giới thiệu hai mẫu xe hạng sang tới khách hàng, với tên gọi Lux SA2.0 và Lux A2.0.

Công ty ô tô thuộc sở hữu của tập đoàn VinGroup – tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam – hy vọng sẽ tránh được kịch bản xấu của một số thương hiệu ô tô trong khu vực Đông Nam Á. Ví dụ điển hình là Proton của Malaysia đã sớm thất bại dù cũng có màn ra mắt đầy hoành tráng. Mẫu sedan Lux A2.0 có giá bán 65.000 USD và 86.000 USD đối với chiếc SUV Lux SA2.0.

Với hai mẫu Lux do studio danh tiếng Pininfarina thiết kế, phát triển dựa trên công nghệ mua từ BMW, VinFast mong muốn là một thương hiệu ô tô nghiêm túc và bài bản. Điều ấy còn thể hiện ở màn ra mắt quốc tế hào nhoáng ở Paris Motor Show hồi tháng 10/2018, bên cạnh sự xuất hiện ở của danh thủ David Beckham.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch của VinFast, nói rằng: “VinFast đặt tầm nhìn trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới, hội tụ những tinh hoa của ngành công nghiệp ô tô để tạo ra những sản phẩm đẳng cấp thế giới với giá cả phải chăng cho người Việt”.

Báo Trung Quốc hoài nghi về khả năng thành công của VinFast - Ảnh 2.

Ảnh: AFP

Nhưng để hiện thực hóa tham vọng đó còn rất nhiều thách thức. Trong một nền kinh tế phát triển nhanh chóng, các thương hiệu lớn ở nước ngoài thường được coi là biểu tượng của sự thành công. VinFast cần thuyết phục người tiêu dùng Việt rằng, sản phẩm của họ là một sự thay thế phù hợp cho những mẫu xe của BMW, Mercedes-Benz hay Lexus. Đây không phải một nhiệm vụ dễ dàng.

Vẫn còn nhiều hoài nghi

Jonathan Nguyễn, một chủ xưởng sản xuất đồ nội thất ở thành phố Hồ Chí Minh, đang lái một chiếc SUV hạng trung của Nhật Bản. Ông nói rằng bản thân ông đã nghe rất nhiều về VinFast, chủ yếu thông qua các phương tiện truyền thông địa phương.

“Tôi cần ít nhất 2 năm để cân nhắc mua bất cứ thứ gì từ VinFast, vì tôi cần phải kiểm chứng chất lượng”, ông nói. “Sản phẩm của VinFast có thể tốt hoặc không, nhưng còn rất mới, cần thời gian để kiểm chứng và sau đó tôi sẽ xem xét có nên mua hay không”.

Báo Trung Quốc hoài nghi về khả năng thành công của VinFast - Ảnh 3.

Ảnh: AFP

Khi được hỏi liệu VinFast có được coi là ngang hàng với các thương hiệu ô tô hạng sang của châu Âu và Nhật Bản hay không, Jonathan trả lời: “Có một số người mang VinFast ra so sánh với những mẫu ô tô hạng sang khác, nhưng tôi nghĩ họ sẽ mất nhiều năm để vươn lên tầm cao đó. Tôi không nghĩ mọi người đều nhìn nhận như vậy, bởi VinFast chưa có lịch sử lâu dài như những thương hiệu ô tô hạng sang của châu Âu hay Nhật Bản”.

Đức Trần, người làm việc trong ngành quảng cáo ở thành phố Hồ Chí Minh, cũng có chung quan điểm.

“Tôi không có thói quen mua một thứ gì đó mà tôi không quen thuộc”, Đức Trần, người đang sở hữu một chiếc Mercedes, nói. Anh không quan tâm tới chuyện VinFast là một thương hiệu ô tô quốc gia.

Người tiêu dùng hiện có thể lái thử các mẫu xe VinFast tại Landmark 81, tòa nhà cao nhất Việt Nam thuộc sở hữu của tập đoàn VinGroup.

Trong một chuyến thăm gần đây của tôi tới tòa nhà chọc trời của Việt Nam, khoảng 10 người đứng vây quanh những chiếc xe VinFast đang được trưng bày, nhưng không ai đồng ý trả lời phỏng vấn. Trên mạng xã hội Facebook có một hội nhóm mang tên VinFast Club với 5.400 thành viên, nhưng cũng không có ai trả lời một bài đăng “liệu có ai đã mua một chiếc VinFast?”.

Những con số không thể chứng minh

Tuy nhiên, nữ Chủ tịch VinFast cho biết doanh số bán hàng ban đầu rất lớn. “Thời điểm khai trương nhà máy sản xuất ô tô của chúng tôi vào ngày 14 tháng 6, VinFast đã nhận được 10.000 xe đặt hàng cho cả 3 mẫu xe của chúng tôi”, bà Thủy nói.

VinFast Fadil được giao đến tay khách hàng vào ngày 17/6, số lượng trong ngày đầu tiên là 650 xe.

Những con số mà VinFast công bố không thể xác minh, và cũng không công khai doanh số cả từng mẫu, khiến việc so sánh với những chiếc xe hạng sang của đối thủ trở nên khó khăn.

Báo Trung Quốc hoài nghi về khả năng thành công của VinFast - Ảnh 4.

Ảnh: AFP

Theo truyền thông địa phương, Hải quan Việt Nam báo cáo mức tăng 36% đối với ô tô nhập khẩu trong 7 tháng đầu 2019 so với cùng kỳ năm ngoái. Ô tô nhập khẩu bị chặn đường về tạm thời vào đầu năm 2018, khi chính phủ Việt Nam đưa ra các yêu cầu nhập khẩu mới nghiêm ngặt, nhưng đến nay đường về đã được khai thông. Tuy nhiên, Hải quan Việt Nam không công bố dữ liệu nhập khẩu theo từng thương hiệu.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam theo dõi dữ liệu bán hàng từ phía doanh nghiệp, nhưng chủ yếu là những mẫu xe lắp ráp trong nước. Theo báo cáo tháng 6/2019, tháng gần đây nhất có số liệu thống kê, 1.434 xe Mercedes-Benz đã được bán ra kể từ đầu năm. Còn con số của Lexus là 871 xe.

Trong khi những người như Jonathan Nguyễn và Đức Trần còn nghi ngờ về VinFast, thì bà Thủy tin chắc rằng công ty của cô sẽ thành công.

“Chiến lược của chúng tôi là tập trung vào việc sản xuất những chiếc xe an toàn, đáng tin cậy và chất lượng cao, thiết kế thanh lịch, hợp thời trang và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, nhưng vẫn đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế”, cô nói.

“Chúng tôi đang cố gắng đi theo đúng tiến độ thần tốc đã đề ra, để tăng uy tín của chúng tôi đối với khách hàng. Cụ thể là tung ra các sản phẩm theo đúng lịch trình mà chúng tôi đã cam kết”.