“Cao cấp” hơn hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD và phanh ABS là hệ thống cân bằng điện tử ESP, hiện được trang bị phổ biến trong nhiều dòng xe. Hiện tại ở nhiều quốc gia như Mỹ, Canada hay châu Âu, hệ thống cân bằng điện tử ESP đã trở thành trang bị BẮT BUỘC cần có trên xe thương mại. Vậy điều gì khiến ESP trở nên quan trọng đến thế?

ESP là chữ viết tắt của HỆ THÔNG CÂN BẰNG ĐIỆN TỬ – Electronic Stability Program. Có thể được gọi tên theo các cách khác như DSC, VSA, ESC… tùy thuộc vào từng nhà sản xuất xe. Đây là hệ thống an toàn điều khiển điện tử, với thiết kế nhằm giảm thiểu nguy cơ mất lái do sai lầm của người lái gây ra.

Hệ thống cân bằng điện tử hoạt động với nguyên lý sử dụng phanh độc lập trên từng bánh xe riêng rẽ để chỉnh hướng chiếc xe sau khi xe mất kiểm soát, điều mà con người không có khả năng thực hiện. ESP có khả năng nhận diện trước mối nguy hiểm, đưa xe về trạng thái cân bằng. 

Công nghệ an toàn này ra mắt năm 1995 với Mercedes S600 Coupe, sau đó Toyota cũng không chậm trễ khi giới thiệu công nghệ này trên chiếc Crow Majesta. Theo đánh giá của Tổ chức An toàn Giao Thông Mỹ, Hệ thống cân bằng điện tử đã cứu sống từ 5.300 đến 10.100 mạng sống mỗi năm và ngăn ngừa từ 168.000 đến 252.000 người bị thương do TNGT.

Chính vì những lý do này, các nước trên thế giới dần áp dụng điều luật BẮT BUỘC trang bị Cân bằng điện tử cho xe thương mại. Điều này mang đến ngành công nghiệp nhiều tỷ đô cho các công ty sản xuất hệ thống này (Bosch, Delphi, Aisin…. ). Đi đầu là Canada vào năm 2011, Mỹ 2012 và Châu Âu từ năm 2014. Trong Asean, Malaysia đã áp dụng luật này vào năm 2018.

Ở Việt Nam, con số thống kê vào khoảng 22.000 người chết hàng năm do TNGT (con số thống kê Bộ Y tế), với phần lớn TNGT xảy ra cho lỗi của tài xế. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có qui định nào về Hệ thống cân bằng điện tử. Và để giảm giá thành, đôi lúc các hãng xe coi Cân bằng điện tử là trang bị có thể bỏ qua. Điều này phần nào nói lên sức ép cạnh tranh về giá bán trong thị trường Việt Nam. Ngoài ra các trang bị an toàn khác như túi khí cũng có thể bị cắt giảm để đảm bảo giá xe thấp nhất có thể, tạo lợi thế cạnh tranh.

Sự cắt giảm tùy ý của các hãng xe có lẽ có nguyên nhân chính từ tâm lý của khách hàng Việt. Xe hơi xưa nay có ý nghĩa như một món đồ trang sức, thể hiện đẳng cấp và niềm tự hào của gia chủ hơn là một phương tiện giao thông hữu ích. Thế nên, đa số khách hàng chỉ quan tâm tới hình thức và thương hiệu khi mua xe mới, hơn là xem xét phần trang bị an toàn – thứ vô cùng quan trọng tới mạng sống của con người. Mua xe bớt được vài chục triệu là mừng như vớ được món hời mà không hề biết rằng xưa nay “Kẻ bán không bao giờ ngu cả, chỉ có người mua là dại thôi”…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập nội dung bình luận của bạn.
Vui lòng nhập tên của bạn.