Lái xe chỉ biết đến các đại lượng như: quãng đường, vận tốc, thời gian, nhưng ít ai quan tâm gia tốc trong chuyển động của xe.

Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn chia sẻ về đại lượng “gia tốc” trong toán chuyển động, cụ thể hơn là gia tốc có ý nghĩa như thế nào khi chúng ta điều khiển xe lưu thông trên đường.

Gia tốc là đại lượng vật lý đặc trưng cho sự thay đổi của vận tốc theo thời gian. Nó là một trong những đại lượng cơ bản dùng để mô tả chuyển động. Cũng như vận tốc, gia tốc là đại lượng có hướng (vector). Thứ nguyên của gia tốc là độ dài trên bình phương thời gian.  

Gia tốc ảnh hưởng tới việc lái xe trên đường
Gia tốc ảnh hưởng tới việc lái xe trên đường

Cụ thể, khi lăn bánh, bản thân xe sẽ chịu ảnh hưởng của rất nhiều lực cản: lực cản của đường (lực cản dốc và lực cản lăn), lực cản tăng tốc (lực quán tính), lực cản ma sát và đặc biệt là lực cản không khí. Những lực cản này dù ít hay nhiều đều phụ thuộc vào tốc độ chuyển động, cũng như gia tốc của xe.

Trên lý thuyết, khi một vật (chiếc xe) chuyển động với vận tốc đều, đại lượng gia tốc sẽ bằng không (0), lúc này sẽ hạn chế được tối đa các lực cản nói trên (giá trị của các lực cản là nhỏ nhất) nên rất tốt cho xe.

Nhưng trên thực tế, khi lái xe lưu thông trên đường chúng ta không thể nào điều khiển xe lăn bánh với vận tốc đều được, mà phải có lúc nhanh lúc chậm do tình huống giao thông trên đường (khi bạn đạp phanh hoặc đạp ga thì gia tốc sẽ xuất hiện). Như vậy, để hạn chế những lực cản nói trên khi lái xe nên điều khiển xe trên đường làm sao để đại lượng gia tốc là nhỏ nhất và là một hằng số (gia tốc không đổi). Có nghĩa là:

Khi tăng tốc phải nhịp nhẹ và đều chân ga để xe tăng tốc với vận tốc nhanh dần đều (lúc này gia tốc sẽ nhỏ và là một hằng số).

Khi giảm tốc phải nhịp phanh nhẹ nhàng để vận tốc giảm chậm dần đều (lúc này gia tốc cũng sẽ nhỏ và là một hằng số). Muốn làm được điều này thì khi lái xe cần phải quan sát và phán đoán tình huống giao thông trên đường để hạn chế tối đa việc phanh gấp.

Nên lái xe với tâm thế "phòng thủ" chứ không nên "tấn công"
Nên lái xe với tâm thế “phòng thủ” chứ không nên “tấn công”

Khi đạp ga mạnh lúc tăng tốc, hành khách ngồi trên xe sẽ bị hiện tượng ngã người về phía sau hoặc khi đạp phanh gấp hành khách trên xe sẽ bị nhào người về phía trước (gia tốc lớn dẫn tới lực quán tính lớn). Điều này sẽ khiến hành khách dễ bị say xe và lốp xe cũng sẽ nhanh mòn hơn.

Tóm lại, theo quan điểm của riêng tôi khi điều khiển xe trên đường chúng ta nên lái xe với tâm thế “phòng thủ” chứ không nên “tấn công”.

Chúc các bạn nhiều sức khỏe và lái xe an toàn!