Chỉ hai ngày sau khi cả nước chính thức áp dụng Nghị định 100/2019, lực lượng CSGT trên phạm vi toàn quốc đã ghi nhận 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn với tổng mức tiền phạt lên tới khoảng 815 triệu VNĐ.

Từ ngày 01/01/2020, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực, trong đó đáng chú ý nhất là điều luật mới về mức xử phạt người sử dụng rượu – bia khi tham gia điều khiển ô tô, xe máy, xe đạp và xe thô sơ.

Ảnh minh họa

Cụ thể, mức độ xử phạt được xét dựa trên mức độ phát hiện nồng độ cồn trong máu và khí thở của người tham gia giao thông, với 3 cấp độ bao gồm:

– Dưới 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1l khí thở

– Từ 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc quá 0,25mg đến 0,4mg/1l khí thở

– Trên 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1l khí thở

Mức xử phạt cho các khung hình trên dao động từ 2 – 3 triệu đồng cho tới 40 triệu đồng kèm theo tước GPLX trong vòng 1 hoặc 2 năm, tùy thuộc vào phương tiện điều khiển và mức độ cồn được phát hiện.

Mặc dù các mức xử phạt đưa ra được đánh giá là rất nặng song hiện vẫn ghi nhận rất nhiều những trường hợp “ma men” vi phạm, thậm chí làm ngơ hoặc chống người thi hành công vụ, cụ thể là con số 615 vụ vi phạm được thông kê trong 2 ngày đầu tiên thi hành điều luật mới. Trong đó, có những lái xe vi phạm và đã bị xử phạt 35 – 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe trong vòng 23 tháng.

Tại một số khu vực khác như phố cổ (TP. Hà Nội), đội CSGT số 1 đã ghi nhận hơn 40 vụ vi phạm nồng độ cồn trong khi tham gia giao thông chỉ sau 1 tiếng lập chốt kiểm tra trong ngày 2/1/2020. Trong đó, đã có trường hợp điều khiển xe máy vi phạm phải nộp phạt tới 7 triệu đồng với mức độ vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,489 mg/l khí thở. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh trong 2 ngày thực thi Nghị định xử phạt mới, đã có hơn 300 vụ vi phạm được ghi nhận và xử phạt bởi Phòng PC08, trong đó chủ yếu là người điều khiển xe gắn máy. 

Theo nghiên cứu và thống kê của Ủy ban ATGT Quốc Gia, sử dụng rượu bia chiếm tới 70% nguyên nhân gây tai nạn giao thông tại Việt Nam. Việc quy định mới này ra đời sẽ là biện pháp triệt để cho việc tham gia giao thông khi trong máu và hơi thở có xuất hiện nồng độ cồn. Các khung hình xử phạt được đánh giá là nghiêm khắc và đủ sức răn đe đối với người tham gia giao thông, qua đó hướng tới một tương lai giảm thiểu tai nạn giao thông vì lý do nhức nhối này.