Trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.

Đây là một trong những nội dung quan trọng được quy định tại Nghị định 10/NĐ-CP thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô chính thức có hiệu lực từ 1/4/2020 tới đây.

Hình ảnh camera phải được truyền 3-5 phút/lần

Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km và tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km.

Hình ảnh camera trên xe phải được truyền với tần suất từ 15 – 20 lần/giờ (tương đương từ 3 – 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Dữ liệu hình ảnh phải được cung cấp kịp thời, chính xác, không được chỉnh sửa hoặc làm sai lệch trước, trong và sau khi truyền.

Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, tổng số phương tiện dự kiến phải lắp camera khoảng 170.000 xe (100.000 xe khách, 70.000 xe container và đầu kéo), số lượng camera dự kiến lắp trên xe bình quân là 2 chiếc/xe.

Tổng cục Đường bộ đã xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 63 hướng dẫn về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô; quy định về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. 

Trong đó, Chương 3 của dự thảo quy định, hướng dẫn cụ thể về yêu cầu kỹ thuật và hướng dẫn lắp đặt camera trên xe ô tô; Quy định về cung cấp dữ liệu hình ảnh từ camera; Quy định và hướng dẫn về quản lý, sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô.

Hiện, dự thảo Thông tư đang được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ GTVT, đề nghị các doanh nghiệp đóng góp ý kiến trước khi ban hành.

Về quy định này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, có 3 hành vi là nguyên nhân chính khiến lái xe ô tô kinh doanh vận tải gây TNGT đó là sử dụng điện thoại di động hoặc xem phim; buồn ngủ, mất tập trung do mỏi mệt và lái xe có hành vi bất thường như ăn uống, đùa nghịch.

Việc lắp camera trước tiên là giúp chính doanh nghiệp kiểm soát được hành vi của lái xe, lái xe có buồn ngủ, có nghe điện thoại hay có những hành vi bất thường hay không, qua đó giúp đảm bảo lái xe tập trung tuyệt đối khi điều khiển phương tiện. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng giám sát được trong xe có chở quá số người quy định hay không, giải quyết triệt để tình trạng nhồi nhét khách xảy ra thường xuyên như hiện nay. Khi có dữ liệu từ doanh nghiệp gửi về, cơ quan quản lý có thể xử phạt nguội.

Theo ông Hùng, việc lắp camera giám sát tài xế và giám sát trên xe là quy định phù hợp với yêu cầu của thực tiễn để giám sát, phát hiện và ghi nhận tình các hành vi có nguy cơ cao gây TNGT của lái xe nhằm giúp cho người điều hành cảnh báo, giáo dục, ngăn ngừa vi phạm của lái xe hay phục vụ, phòng tránh tai nạn xảy ra.

Cần có lộ trình và tiêu chí kỹ thuật với camera

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, số lượng xe kinh doanh vận tải thuộc diện phải lắp camera là khá lớn.

Vì vậy, giải pháp về công nghệ để sử dụng dữ liệu từ camera phục vụ công tác quản lý và xử lý vi phạm cần phải có quá trình để hoàn thiện.

Cần phải có lộ trình để đưa ra các tiêu chí kỹ thuật đối với camera, camera sẽ ghi nhận những nội dung gì, những vi phạm đó được căn cứ theo quy định pháp luật nào và việc sử dụng dữ liệu đó để xử phạt cần xây dựng chế tài.

Lãnh đạo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc áp dụng phát huy hiệu quả hình ảnh từ camera cần quá trình nghiên cứu hoàn thiện về thể chế, hoàn thiện về mặt quy chuẩn kỹ thuật mới phát huy hiệu quả.

Tương tự, ông Khuất Việt Hùng cũng cho rằng, Bộ GTVT cần khẩn trương ban hành quy chuẩn kỹ thuật của camera để doanh nghiệp áp dụng, quy chuẩn nên đơn giản để tạo thói quen cho doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý Nhà nước. Việc ứng xử thế nào với dữ liệu khổng lồ được doanh nghiệp gửi về cũng cần phải chuẩn bị.