Vào thời điểm hiện tại, thông tin liên quan đến virus Corona đang là một trong những chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất của công chúng.

Virus Corona đã trở thành một đại dịch, không chỉ khiến hàng trăm người chết, hàng chục ngàn người nhiễm bệnh mà còn gây ra một loạt hiệu ứng tiêu cực tới nền kinh tế của Trung Quốc cũng như toàn cầu. Ngành công nghiệp ô tô cũng không phải là ngoại lệ khi đang phải gồng mình chống đỡ những tác động mà con virus Corona gây ra.

Virus Corona đang tàn phá ngành ô tô như thế nào?

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn giữ vai trò đầu tàu về mặt tiêu thụ cũng như sản xuất xe hơi. Rất nhiều ông lớn trong lĩnh vực sản xuất ô tô đã đầu tư mạnh tay vào quốc gia này. Do đó, khi đại dịch Corona nổ ra trên diện rộng tại Trung Quốc, doanh số cũng như sản lượng đều sụt giảm mạnh, đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là chưa kể tới áp lực từ sự suy giảm mức tiêu thụ của thị trường xe hơi lớn nhất thế giới trong 2 năm gần đây cộng với dự báo về năm lao dốc thứ 3 liên tiếp.

Tình trạng khó khăn chung

CNN Business cho biết đại dịch Corona đang khiến cho những khách hàng tiềm năng tại Trung Quốc quyết định ở nhà lánh nạn thay vì tìm đến các đại lý để mua xe. Xu hướng này được cho là sẽ tiếp diễn đến khi đại dịch đạt đỉnh để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Đó là dự báo mới được các nhà phân tích tại S&P Global Ratings đưa ra.

Virus Corona đang tàn phá ngành ô tô như thế nào?

Song song với đó, nhiều hãng xe có cơ sở sản xuất đặt tại đây cũng buộc phải đóng cửa các nhà máy của mình. Cũng theo S&P Global Ratings, sản lượng xe ở quốc gia này có thể giảm tới 15% trong quý I vì virus Corona. Đó là một kết quả khó tránh khỏi bởi những tên tuổi lớn như GM, Nissan, Renault, Honda hay PSA đều có nhà máy đặt ở thủ phủ công nghiệp Vũ Hán – tâm điểm của đại dịch lần này. S&P Global Ratings chỉ ra rằng riêng tỉnh Hồ Bắc đã đóng góp tới 9% tổng lượng xe được sản xuất tại Trung Quốc.

Vì diễn biến phức tạp của dịch Corona mới, các nhà sản xuất ô tô hiện diện ở Trung Quốc đã quyết liệt đóng cửa nhà máy của mình bất chấp nhiều khó khăn, hệ lụy. Ví dụ như PSA Group cho biết họ vẫn sẽ đóng cửa nhà máy ở Vũ Hán ít nhất là cho đến hết 14/2. Daimler và VW đều dự định mở cửa trở lại vào thứ 2 nhưng vẫn để ngỏ khả năng điều chỉnh kế hoạch nếu cần thiết. Trong khi đó, GM đang nỗ lực làm việc với các đối tác và nhà chức trách để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị sụp đổ.

Virus Corona đang tàn phá ngành ô tô như thế nào?

Với 24 nhà máy trải khắp Trung Quốc, VW là thế lực chịu ảnh hưởng nhiều nhất. CNN Business cho biết mảng sản xuất tại đây chiếm tới 40% sản lượng của tập đoàn này. VW cũng khẳng định khi hoạt động sản xuất được khởi động trở lại, mọi thứ vẫn đi theo đúng quỹ đạo do chuỗi cung ứng luôn ở trạng thái sẵn sàng.

Toyota cũng là một nạn nhân khác của dịch Corona với 15% lượng xe được sản xuất ở Trung Quốc. Ban đầu, gã khổng lồ Nhật Bản dự định mở cửa trở lại vào 10/2 nhưng đã buộc phải lùi kế hoạch này thêm ít nhất một tuần nữa. Được biết, Toyota đang có 12 nhà máy ở Trung Quốc, 4 phụ trách sản xuất xe và 8 phụ trách sản xuất linh phụ kiện. Người phát ngôn của tập đoàn này cho biết tình hình sẽ thay đổi tùy theo nguồn cung và từng nhà máy.

Virus Corona đang tàn phá ngành ô tô như thế nào?

Tuy nhiên, các chuyên gia của S&P Global Ratings cho rằng mọi chuyện có thể xấu đi nếu giới chức Trung Quốc muốn kéo dài thời gian tạm dừng hoạt động để hạn chế sự lây nhiễm. Động thái này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới một nửa dây chuyền sản xuất xe và linh phụ kiện trên toàn nước này. Thậm chí, các nhà máy ở một số thành phố cách xa Vũ Hán như Thượng Hải hay Thiên Tân cũng có thể chịu chung số phận.

Nguy cơ vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc

Với tầm ảnh hưởng quá to lớn của Trung Quốc, cuộc khủng hoảng Corona càng kéo dài bao lâu thì chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô càng bị tàn phá nặng nề. Cùng với các công ty sản xuất xe hơi, những ông lớn trong lĩnh vực cung ứng cho ngành này đều đang đặt cơ sở tại Trung Quốc và đóng góp đáng kể vào tổng sản lượng.

Virus Corona đang tàn phá ngành ô tô như thế nào?

Đơn cử như Bosch đang có cả tá nhà máy tại nước này, hai trong số đó được đặt tại tâm dịch Vũ Hán. Các tên tuổi khác như Schaeffler, ZF Friedrichschafen, Valeo hay Faurecia cũng có những hoạt động đáng kể tại Trung Quốc.

Trong tuần trước, một phát ngôn viên của Bosch từng tuyên bố các nhà máy của tập đoàn này ở Trung Quốc vẫn đang đóng cửa theo lệnh của chính phủ nhưng sẽ sớm trở lại hoạt động. Đồng thời, người này cho biết vẫn còn quá sớm để đánh giá những tác động từ dịch Corona đối với Bosch.

Virus Corona đang tàn phá ngành ô tô như thế nào?

Không chỉ riêng các nhà sản xuất ô tô truyền thống, những hãng xe năng lượng mới như Tesla cũng đang trải qua một cơn đau đầu không hề nhẹ. Tesla là một ví dụ khi công ty này vẫn đang lấy nguồn hàng từ những đối tác tại Trung Quốc. Trong khi đó, nhà máy mới của Tesla ở Thượng Hải cũng được cho là sẽ đi vào hoạt động muộn hơn dự kiến ban đầu.

Hyundai cũng trở tay không kịp và buộc phải đóng cửa nhiều nhà máy tại quê nhà do đại dịch Corona làm gián đoạn nguồn cung linh phụ kiện. Chuyên gia kinh tế toàn cầu Simon MacAdam cho hay 29% nguồn cung ứng cho ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc là từ Trung Quốc. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi mảng ô tô của xứ sở kim chi bị điêu đứng trong bối cảnh hiện tại.

Virus Corona đang tàn phá ngành ô tô như thế nào?

Nhưng không dừng lại ở đó, quốc gia đông dân nhất hành tinh hiện là công xưởng của thế giới chuyên gia công linh kiện dù có giá trị thấp nhưng lại tối quan trọng để sản xuất những thứ có giá trị cao hơn. Tức là ngoài những chiếc xe 4 bánh, sẽ còn vô vàn thứ khác nữa bị ảnh hưởng khi Trung Quốc – trái tim của nền sản xuất, chế tạo toàn cầu – không thể hoạt động một cách bình thường.  

Bên cạnh sự tàn phá khủng khiếp, ít nhất thì đại dịch Corona lần này đã giúp cả thế giới nhận ra rằng chúng ta đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc và hậu quả của điều này là nghiêm trọng đến nhường nào. Với một biến cố tương tự như Corona xuất hiện, các hoạt động sản xuất ngay lập tức sẽ bị hạn chế và thậm chí là đình trệ hoàn toàn. Từ đó sẽ dẫn đến một hiệu ứng dây chuyền làm đảo lộn đời sống kinh tế, xã hội của toàn thể nhân loại. Và thứ mà chúng ta đang cần chính là một cuộc tái cấu trúc toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo.