Kể từ 1/5/2020 sẽ có rất nhiều thay đổi trong đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe khi thi bằng lái xe ô tô có thể khiến người học lái xe phải trả phí lên tới 30 triệu đồng đối với bằng B2.

Bộ Giao thông vận tải mới ra Thông tư 38/2019/TT-BGTVT với một số bổ sung và thay đổi cho Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT trước đó về quy định, đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Theo đó, quy định mới trong Thông tư 38 sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2020 tới đây.

Một số thay đổi nổi bật trong Thông tư 38 mới là câu hỏi lý thuyết tăng từ 450 lên 600 câu trong đó học viên lần chú ý 100 câu điểm liệt vì nếu trả lời sai 1 câu sẽ bị trượt. Điều chú ý thứ 2 là học viên vẫn duy trì 100 giờ học nhưng sẽ thêm chương trình học mới về sửa chữa xe cơ giới cơ bản và đạo đức lái xe khiến chi phí học có thể tăng lên tới 30 triệu đồng đối với bằng B2. Điều chú ý thứ 3 là những giấy phép lái xe mới sẽ có 1 mã QR riêng để tránh tình trạng mua bằng, làm giả bằng lái xe, cơ quan chức năng có thể nhận biết được cơ sở, trung tâm cấp bằng.

Các thay đổi cụ thể trong Thông tư 38 như sau:

Hệ thống giám sát tại trung tâm sát hạch lái xe sẽ được cải tiến như sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý đào tạo để nhận dạng và đảm bảo theo dõi thời gian học lý thuyết môn pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên theo Khoản 9 Điều 5 về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở đào tạo lái xe.

Trung tâm sát hạch lái xe có trách nhiệm sát hạch lái xe giám sát bằng hệ thống sử dụng camera IP, có giao diện tương tác, đồng bộ thời gian với máy chủ sát hạch lý thuyết, có độ phân giải HD trở lên, máy tính điều hành thiết bị chấm điểm thực hành lái xe trong hình… theo Khoản 7 Điều 18.

Bắt đầu từ năm 2020, học thi bằng lái ô tô có thể sẽ mất tới 30 triệu đồng
Bắt đầu từ năm 2020, thi bằng lái ô tô có thể sẽ mất tới 30 triệu đồng.

Nội dung chương trình đào tạo được phân bổ lại chương trình và thời gian đào tạo theo Khoản 3 Điều 13 cụ thể như thêm phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; thêm môn đạo đức, văn hóa giao thông; phòng chống tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Điều đáng lưu ý là tổng thời gian học một khóa đào tạo vẫn tương tự như trước đây là 920 giờ với hạng C, 588 giờ với hạng B2 và 476-556 giờ với hạng B1….

Thông tư 38 cũng bãi bỏ yêu cầu bảo lưu của người dự sát hạch. Cụ thể, người sát hạch trước đó có thể bảo lưu 1 lần trong thời hạn 1 năm đối với nội dung sát hạch đã đạt yêu cầu. Tuy nhiên, điều này sẽ không còn được áp dụng từ ngày 1/5 tới đây. Nếu không thể hoàn thành tất cả nội dung sát hạch, người dự sát hạch sẽ phải học lại từ đầu như học viên mới.

Mức học phí đối với người học thi bằng lái xe không được quy định cụ thể. Theo đó, mức thu học phí đào tạo lái xe cơ giới đường bộ căn cứ vào các quy định về cơ sở vật chất đào tạo lái xe, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên; chế độ chi tiêu tài chính hiện hành hay định mức về tiêu hao nhiên liệu do cơ sở đào tạo lái xe ban hành…

Các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ xây dựng và quyết định mức thu học phí cụ thể đối với từng hạng giấy phép lái xe chi tiết theo từng học phần báo cáo Bộ chủ quản hoặc cơ quan được ủy quyền (đối với cơ sở đào tạo lái xe trực thuộc các Bộ), báo cáo Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh hoặc cơ quan được ủy quyền (đối với cơ sở đào tạo lái xe thuộc địa phương, bao gồm cả các cơ sở ngoài công lập) để theo dõi theo Thông tư liên tịch số 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT.

Như vậy, các cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về quyết định ban hành mức thu và quản lý học phí đơn vị. Tuy nhiên, với các yêu cầu về tổ chức đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe mới, học phí học lái xe năm 2020 chắc chắn sẽ tăng lên, có thể lên tới mức 30 triệu đồng.

Tuy nhiên, mức phí sẽ được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra và thanh tra theo quy định, đồng thời xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm.