Kể từ khi có quy định ô tô kinh doanh vận tải bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam đến nay, có lẽ chưa bao giờ lại ghi nhận số lượng phương tiện không truyền dữ liệu “khủng” như trong tháng 7 vừa qua.

1 tháng có 54.000 phương tiện không truyền dữ liệu

Sở GTVT Hà Nội cho biết, khai thác dữ liệu giám sát hành trình từ ngày 1 đến 31-7 trên hệ thống dữ liệu thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, có 275 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn Hà Nội với 365 phương tiện vi phạm về tốc độ. Đặc biệt, có tới hơn 9.200 đơn vị kinh doanh có xe chưa truyền dữ liệu và hơn 54.000 phương tiện chưa truyền dữ liệu.

Để thực hiện nghiêm việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện ngay việc truyền dữ liệu thiết bị GSHT của các ô tô kinh doanh vận tải lên hệ thống thông tin, khai thác và sử dụng dữ liệu thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 5-9.

Văn bản của Sở này nêu rõ: “Trước ngày 5-9, các đơn vị cung cấp thiết bị GSHT phải khẩn trương phối hợp, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải đã ký hợp đồng cung cấp và duy trì dịch vụ thực hiện việc truyền dữ liệu thiết bị GSHT lên hệ thống thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Trường hợp các đơn vị ngừng kinh doanh (không truyền dữ liệu), yêu cầu nộp lại phù hiệu và báo cáo về Sở GTVT. Sau thời hạn nói trên, nếu các đơn vị không chấp hành, Sở GTVT Hà Nội sẽ xử lý theo quy định”. Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải tăng cường công tác quản lý lái xe, kiên quyết xử lý, chấn chỉnh, kiểm điểm đối với các lái xe thường xuyên vi phạm tốc độ.

Cũng căn cứ vào kết quả khai thác dữ liệu GSHT của tháng 7, Sở GTVT Hà Nội đã có quyết định thu hồi 204 phù hiệu đối với các phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô vi phạm trên địa bàn Hà Nội gồm: 144 phù hiệu xe hợp đồng, 11 phù hiệu xe taxi, 16 phù hiệu xe tuyến cố định, 3 phù hiệu xe container, 24 phù hiệu xe tải, 3 phù hiệu xe buýt. Nguyên nhân là khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình cho thấy, mỗi phương tiện có từ 5 lần vi phạm tốc độ trở lên. Việc này đã vi phạm quy định tại điểm b, khoản 10, Điều 22 của Nghị định 10 của Chính phủ. Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp vận tải có tên trong danh sách thu hồi phù hiệu của các xe, giao nộp phù hiệu về Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT).

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở GTVT chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải, lái xe phải kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, đảm bảo duy trì tình trạng kỹ thuật, hoạt động liên tục và truyền dữ liệu theo quy định trong quá trình tham gia giao thông.

Trong diện thu hồi phù hiệu lần này của Sở GTVT Hà Nội đa phần là xe hợp đồng, một loạt các đơn vị vận tải lớn cũng có nhiều xe vi phạm bị thu hồi phù hiệu không thời hạn như Công ty CP vận tải và du lịch Anh Huy (8 xe); Công ty TNHH X.E Việt Nam (4 xe); Công ty CP Ninh Quỳnh (2 xe); Công ty CP xe điện Hà Nội (3 xe).

Còn với lĩnh vực vận tải khách tuyến cố định, đứng đầu là Công ty TNHH vận tải Việt Thanh bị Sở GTVT thu hồi phù hiệu tuyến cố định 12 xe, thu hồi phù hiệu xe hợp đồng 2 xe; thu hồi phù hiệu taxi 3 xe. Đứng đầu vi phạm về số lần vi phạm tốc độ là Công ty TNHH dịch vụ vận tải Hoàng Phú có đến 18 xe bị thu hồi phù hiệu xe hợp đồng. Đặc biệt, lỗi vi phạm chạy quá tốc độ lặp lại hàng chục lần trong tháng, có phương tiện vi phạm đến 60-63 lần/tháng.

Số phương tiện không truyền dữ liệu GPS tăng vọt trong thời gian qua

Nguyên do bởi Covid-19?

Trao đổi với Báo An ninh Thủ đô, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho hay, trong số hơn 54.000 phương tiện kinh doanh vận tải không truyền dữ liệu GSHT về Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong tháng 7 cũng có khá nhiều phương tiện của doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do khó khăn bởi dịch Covid-19. Đồng tình với quan điểm này, tuy nhiên Đại diện Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) nhìn nhận thận trọng hơn: “Chúng tôi phải chờ địa phương thống kê báo cáo cụ thể thì mới biết chính xác trong số phương tiện kinh doanh vận tải không truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ có bao nhiêu phần trăm là có hoạt động nhưng cố tình không truyền, và bao nhiêu là tạm dừng hoạt động thực sự vì dịch bệnh”.

Mới đây, để chấn chỉnh công tác kiểm soát phương tiện kinh doanh vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố, các đơn vị cung cấp thiết bị, dịch vụ GSHT tăng cường theo dõi, chấn chỉnh và xử lý vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị này. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, qua theo dõi trên hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị GSHT cho thấy còn nhiều phương tiện không truyền dữ liệu. Một số vụ TNGT liên quan đến xe kinh doanh vận tải thiết bị GSHT không hoạt động hoặc cố tình tắt thiết bị dẫn đến không truyền dữ liệu theo quy định.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở GTVT chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải, lái xe phải kiểm tra thiết bị GSHT, đảm bảo duy trì tình trạng kỹ thuật, hoạt động liên tục và truyền dữ liệu theo quy định trong quá trình tham gia giao thông. “Phải sửa chữa, khắc phục thiết bị hư hỏng, không có tín hiệu, không đưa phương tiện ra kinh doanh khi thiết bị GSHT không hoạt động, không được lắp thêm công tắc điện để tắt thiết bị hoặc sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp phá sóng GPS hay làm sai lệch dữ liệu thiết bị GSHT” – Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu.

Cùng đó, các Sở GTVT cần chỉ đạo thanh tra giao thông kiểm tra chuyên đề về lắp đặt, duy trì hoạt động của thiết bị và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Trường hợp, vi phạm không truyền dữ liệu là do đơn vị cung cấp dịch vụ thiết bị GSHT, đơn vị vận tải có trách nhiệm liên hệ với đơn vị cung cấp dịch vụ để có biện pháp khắc phục ngay. Trước khi ban hành quyết định xử lý đối với các trường hợp vi phạm, Sở GTVT yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải phải có báo cáo giải trình và kiểm tra tính xác thực có vi phạm.

Doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà

Cho ý kiến tại tọa đàm “Giải pháp nào để đảm bảo ATGT” mới đây, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, trên những phương tiện kinh doanh vận tải hiện tại như xe khách liên tỉnh hay xe hợp đồng phải có thiết bị GSHT. Đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện phương án đảm bảo ATGT, theo dõi giám sát hoạt động của phương tiện giao thông thông qua thiết bị GSHT và yêu cầu lái xe thực hiện đúng quy định cứ 4 tiếng phải nghỉ 1 lần, 10 tiếng phải thay lái xe. Ngoài ra, trên thiết bị GSHT cũng có chức năng cảnh báo khi chạy quá tốc độ.

Tuy nhiên, theo ông Khuất Việt Hùng, thực tế cho thấy, hiện có một tỷ lệ không nhỏ các chủ xe gần như buông lỏng quản lý và khoán trắng cho lái xe, tạo lỗ hổng trong công tác đảm bảo ATGT. Trên cơ sở đó, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, tới đây, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, quy định thêm trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thống kê hành vi vi phạm về lộ trình, tốc độ. “Nghị định 10 cũng có quy định, đối với xe khách và container phải gắn thêm camera trên xe để doanh nghiệp vận tải có thể giám sát hoạt động chính trong xe, theo dõi lái xe có vi phạm các quy định về đảm bảo ATGT. Những quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2021” – ông Khuất Việt Hùng thông tin.