Zotye Z8, BAIC Q7 và Brilliance V7 một thời “làm mưa làm gió” chỉ tồn tại trên thị trường ô tô Việt Nam trong vài năm ngắn ngủi, trước khi bị thế chỗ bởi những “cơn sốt” mới.

Ô tô Trung Quốc tại Việt Nam có đặc thù tuổi đời ngắn, thường không có phiên bản nâng cấp hoặc thế hệ hoàn toàn mới như các dòng xe đến từ các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển. Zotye Z8, BAIC Q7 và Brilliance V7 là những ví dụ điển hình, khi “lặng lẽ” biến mất khỏi thị trường Việt Nam sau 1-2 năm “làm mưa làm gió”. Hiện tại, cả ba mẫu xe này đã bị khai tử do doanh số hẩm hiu ở quê nhà, các đại lý tư nhân tại Việt Nam thông báo hết hàng từ lâu, chỉ còn phân phối Beijing X7 và BAIC X55. 

Zotye Z8 – từ 728 triệu đồng

Zotye Z8 về Việt Nam lần đầu tiên vào cuối 2017, nhanh chóng trở thành “cơn sốt” giai đoạn 2018-2019. Xe sở hữu kích thước tương đương nhóm Honda CR-V, Mazda CX-5 hay Hyundai Tucson, nhưng giá bán chỉ dừng ở mức 728 triệu đồng. Đến tháng 9/2019, doanh nghiệp nhập khẩu tư nhân tiếp tục đưa về phiên bản 7 chỗ với giá 758 triệu đồng.

Trước Beijing X7, đây là loạt ô tô Trung Quốc từng làm mưa làm gió rồi lặng lẽ ngừng bán tại Việt Nam - Ảnh 1.

Rất nhiều chủ xe độ mặt ca lăng Maserati cho chiếc Zotye Z8.

Thiết kế cả hai phiên bản giống hệt nhau. Phiên bản 5 chỗ có kích thước dài x rộng x cao lần lượt 4.748 x 1.933 x 1.697 mm, chiều dài trục cơ sở 1.850 mm. Trong khi đó, để lắp thêm hàng ghế 3, phiên bản 7 chỗ dài hơn, ở mức 4.910mm.

Xe trang bị động cơ tăng áp 2.0L, 4 xy-lanh, cho công suất 231 mã lực và mô-men xoắn 350 Nm, hộp số tự động 8 cấp. Cỗ máy này mạnh hơn loại tăng áp 2.0L, công suất 211 mã lực, trên Mercedes-Benz GLC 250. Động cơ của phiên bản 5 chỗ cũng có dung tích 2.0L, nhưng công suất chỉ 188 mã lực và mô-men xoắn 250 Nm.

Zotye Z8 từng là mẫu SUV có nhiều “đồ chơi” nhất trong tầm giá 700 triệu đồng với đèn LED hoàn toàn, nội thất toàn bọc da, đồng hồ kỹ thuật số, màn hình giải trí 10 inch, phanh đỗ điện tử có tự động giữ, điều hòa 3 vùng độc lập hay cửa sổ trời toàn cảnh và camera 360 độ. Nếu là xe Nhật hoặc Hàn Quốc, với các trang bị tương tự, giá xe không dưới 1 tỷ đồng.

BAIC Q7 – từ 588 triệu đồng

Cùng thời Zotye Z8, BAIC Q7 (hay còn gọi là Changhe Q7) cũng nổi lên như một hiện tượng. Xe về Việt Nam lần đầu tiên cuối năm 2018 với giá 658 triệu đồng, thấp hơn 70 triệu đồng so với Zotye Z8. Đến tháng 8/2019, xe có thêm phiên bản giá rẻ Elite, giá 588 triệu đồng.

Trước Beijing X7, đây là loạt ô tô Trung Quốc từng làm mưa làm gió rồi lặng lẽ ngừng bán tại Việt Nam - Ảnh 3.

BAIC Q7 tại một đại lý phía Nam.

So với Zotye Z8, BAIC Q7 tại Việt Nam chỉ có duy nhất phiên bản 5 chỗ. Kích thước dài và hẹp hơn về chiều rộng. Khoảng sáng gầm xe 215 mm, cao hơn đáng kể so với bộ đôi Mazda CX-5 và Honda CR-V.

BAIC Q7 mang tên như Audi Q7 nhưng thiết kế khá giống Land Rover Range Rover. Từ cụm đèn chính, lưới tản nhiệt cho đến kính hông đều khiến người ta nghĩ ngay đến dòng xe sang Anh quốc. Mâm xe kích thước 18 inch. Nhiều người cho rằng phần đầu và đuôi không đẹp như thiết kế phần thân xe.

Nội thất xe sẽ sử dụng vật liệu da là chính. Ghế lái chỉnh điện, có tích hợp sưởi và làm mát. Màn hình giải trí 12 inch đặt dọc như Tesla. Cửa sổ trời toàn cảnh. Rất nhiều tính năng tự động bao gồm đèn, gạt mưa, điều hoà… Cốp mở điện.

Công nghệ an toàn trên BAIC Q7 có đầy đủ hỗ trợ phanh (ABS, EBD, BA), cân bằng điện tử, kiểm soát lực kéo, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, phanh đỗ điện tử có tự động giữ, ga tự động, cảm biến trước/sau, cảm biến áp suất lốp, camera 360 độ và 6 túi khí. Đây đều là những tính năng “mơ ước” trên những dòng xe phổ thông giá tầm 600-700 triệu đồng. Động cơ là loại máy xăng tăng áp 1.5L, cho công suất 150 mã lực kết hợp số tự động vô cấp CVT và hệ dẫn động cầu trước.

Brilliance V7 – 738 triệu đồng

Brilliance V7 về Việt Nam lần đầu tiên hồi tháng 3/2020, nhưng chỉ vài tháng sau, tập đoàn Brilliance Auto thông báo phá sản. Sau thời điểm này, Brilliance V7 dần chìm vào quên lãng. Thời điểm mới về nước, xe có giá bán 738 triệu đồng. Vì đây là dòng xe 5+2, nên giá ra biển số ước tính vào khoảng 860,4 triệu đồng tại Hà Nội, và 836,6 triệu đồng tại TP.HCM. Giá bán trên chỉ ngang tầm với mẫu Hyundai Kona.

Trước Beijing X7, đây là loạt ô tô Trung Quốc từng làm mưa làm gió rồi lặng lẽ ngừng bán tại Việt Nam - Ảnh 5.

Brilliance V7 tạo cơn sốt sau Zotye Z8 và BAIC Q7.

Brilliance V7 được cho là phát triển dựa trên nền tảng của mẫu BMW X3, do Brilliance và BMW có một quan hệ liên doanh tại thị trường Trung Quốc. Xe có kích thước tổng thể Dài x Rộng x Cao lần lượt là 4.702 x 1.932 x 1.753 mm. Chiều dài cơ sở 2.770 mm và nặng 1,695 tấn. Như vậy, kích thước của Brilliance V7 tương đương với nhóm crossover cỡ C trên thị trường, như Honda CR-V, Mitsubishi Outlander hay Mazda CX-5.

Về công nghệ an toàn, mẫu xe Trung Quốc được trang bị chống bó cứng phanh ABS, cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, cảnh báo va chạm phía trước, hỗ trợ phanh khẩn cấp chủ động, camera 360 độ, cảm biến hỗ trợ đỗ xe trước sau, giám sát áp suất lốp và hệ thống 6 túi khí.

Nội thất nổi bật với màn hình giải trí cảm ứng đặt dọc ở trung tâm, kích thước 10,4 inch. Cách bố trí khá giống với thương hiệu Volvo. Ngoài ra, hệ thống giải trí còn có dàn âm thanh 8 loa. Nhiều “option” và giá rẻ bấy lâu nay là đặc sản của xe Trung Quốc. Vô-lăng giống hệt với BMW. Phanh tay điện tử, tích hợp tính năng chống trôi Auto Hold. Một số tính năng nổi bật có thể kể đến khởi động nút bấm, điều hoà tự động 2 vùng hay đèn nội thất.

Xe dùng động cơ tăng áp 4 xy-lanh, dung tích 1.6L, cho công suất 201 mã lực và mô-men xoắn 280 Nm. Hộp số tự động ly hợp kép 7 cấp và dẫn động cầu trước. Mâm xe kích thước 19 inch.