Theo kế hoạch của Chính phủ, đến năm 2050, tất cả phương tiện cơ giới đường bộ sẽ chuyển đổi sang chạy điện hoặc năng lượng xanh.

Ngày 22/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 876/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải. Theo đó, Chính phủ đặt ra lộ trình cắt giảm các loại phương tiện sử dụng động cơ đốt trong, ưu tiên phát triển xe điện. Mục tiêu đến năm 2050, tất cả phương tiện cơ giới đường bộ chuyển đổi sang chạy điện hoặc năng lượng xanh.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2030, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện, phát triển hạ tầng sạc điện, khuyến khích các bến xe, trạm dừng chuyển đổi theo tiêu chí xanh.

Giai đoạn 2031-2050, đặt cột mốc năm 2040, Việt Nam dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch để sử dụng trong nước.

Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như ô tô, xe máy tham gia giao thông phải chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng sạch.

Mục tiêu phát triển điện khí hóa, xanh hóa phương tiện giao thông tại Việt Nam cũng phù hợp với các cam kết của Chính phủ về với cộng đồng quốc tế. Cụ thể, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26), lần đầu tiên Việt Nam cam kết xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (gọi tắt là Net Zero) vào năm 2050.

Với chiến lược rõ ràng được đưa ra, Quyết định số 876/QĐ-TTg là “kim chỉ nam” để các hãng xe trong nước và nhà nhập khẩu xác định rõ kế hoạch sản xuất, phát triển sản phẩm của mình ở thị trường Việt Nam, từng bước chuyển đổi sang sản xuất và phân phối xe điện. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các đơn vị phát triển hạ tầng giao thông và các công ty cung ứng vật tư nhiên liệu sạch tiếp đà phát triển, mở rộng sản xuất theo định hướng mà Chính phủ đề ra.