Nước Đức trong một chiếc Porsche

0
58

Ra đời năm 1963 từ bờ Tây giàu có của bức tường Berlin, 911 được coi là hình mẫu hiếm hoi còn sót lại của chất quý tộc bảo thủ của người Đức.

Porsche là thương hiệu xe thể thao hạng sang có ít thăng trầm trong lịch sử. Từ khi ra đời đến ngày nay, nắm quyền kiểm soát chính của thương hiệu vẫn là dòng dõi gia đình Porsche. Giữa Porsche và Volkswagen không phải là mối quan hệ thấu tóm, mà đơn giản chỉ là cuộc sát nhập giữa hai công ty có mối quan hệ họ hàng. Ferdinand Piech, cựu Chủ tịch, cố vấn cấp cao của tập đoàn Volkswagen là cháu ngoại Ferdinand Porsche. Porsche SE với chủ tịch là Wolfgang Porsche (cháu nội Ferdinand Porsche) hiện là chủ sở hữu lớn nhất tại tập đoàn VW với 52,2% cổ phần.

Không thăng trầm nhiều về tài chính hay quyền sở hữu thương hiệu, nên bản sắc của Porsche được lưu giữ rất hoàn hảo. Chỉ một số ít người sau bức tường của gia đình Porsche biết đích xác công thức để tạo ra sức hấp dẫn của 911, cũng như duy trì công thức đó đến ngày nay.

911 là trường hợp đặc biệt. Khi mà mỗi phiên bản mới ra đời, khách hàng lại đặt câu hỏi “có giống đời trước hay không?”. Sự đặc biệt của 911 không chỉ đến từ vòng đời sản phẩm đã dài hơn nửa thế kỉ, mà hơn 150.000 chiếc 911 đời ‘nhà Tống’, sản xuất từ 1964 – 1989 vẫn đang lăn bánh ngày hôm nay. Số lượng chủ xe cũ và nhà sưu tập xe Porsche thực sự đông đảo. 911 chỉ cần thay đổi mới mẻ quá đà, họ sẽ lập tức nổi giận. Thậm chí tẩy chay, ruồng bỏ sản phẩm mới.

Quá khứ từng lưu lại những rắc rối này của Porsche. Đơn cử, 911 thế hệ 996 chỉ vì nâng cấp công nghệ làm mát bằng dung dịch (thay vì làm mát bằng gió) bị đưa vào ‘sổ đen’ – chiếc Porsche bị hắt hủi nhất trong lịch sử. “Chúng tôi có rất nhiều khách hàng bảo thủ”, Dieter Landenberger, giám đốc lịch sử thương hiệu Porsche cho biết. “Họ không muốn một chiếc Porsche thay đổi quá nhiều”.

Mỗi chiếc 911 mới, công nghệ mới ra đời thì giá xe cũ lập tức tăng vọt. Năm 2016, những chiếc 911 Turbo đời 993 (1995-1997), mẫu xe 911 cuối cùng sử dụng công nghệ làm mát bằng két dầu, kết hợp làm mát gió đã có giá bán vượt mức 200.000USD cho một chiếc đã qua sử dụng. Cùng đời 993, chiếc GT2 RS phiên bản giới hạn có giá lên tới 1,7 triệu USD…

Bước sang thế hệ mới nhất, Porsche đưa 911 tới một cảnh giới cao hơn, một thách thức thực sự giữa chủ nghĩa bảo thủ quá khứ và sự cấp tiến của tương lai. Động cơ tăng áp giờ đây là chủ lực, chiếm trên 90% danh mục phiên bản của 911. Như lời tri ân tới khách hàng còn vương vấn quá khứ, Porsche cung cấp duy nhất 3 phiên bản 911 sử dụng động cơ nạp khí tự nhiên gồm 911 GT3, 911 GT3 RS và 911 R (số sàn). Tất nhiên, các phiên bản này có giá không hề rẻ!

Ở phiên bản mới, 911 vẫn sử dụng động cơ dạng boxer, 6 xi-lanh đối đỉnh truyền thống. Dung tích động cơ giảm xuống còn 3.0L nhưng tích hợp bộ tăng áp kép (bi-turbo) với một động cơ tăng áp nhỏ, hoạt động liên tục ở tua máy thấp và một turbo cỡ lớn hoạt động khi đạt ngưỡng tua máy cao hơn. Đây là một trong những giải pháp giúp 911 hạn chế hiện tượng trễ turbo.

Công suất tối đa tăng lên 365 mã lực tại tua máy 6.500 vòng/ phút. Sức kéo tối đa cũng tăng lên 450Nm từ ngay tua máy 1.700 vòng/ phút, trải dài tới 5.000 vòng/ phút thông qua hộp số PDK ly hợp kép. Đồng thời, số vòng quay tối đa của động cơ trên 911 mới đã vượt qua giới hạn của động cơ turbo thông thường, chạm ngưỡng 7.500 vòng/ phút (tương đương động cơ nạp khí tự nhiên).

Ở phiên bản cũ là động cơ boxer 6 xi-lanh nạp khí tự nhiên, dung tích 3.4L. Công suất tối đa 345 mã lực tại tua máy 7.400 vòng/ phút. Sức kéo tối đa 390Nm tại 5.600 vòng/ phút. Hộp số PDK 7 cấp ly hợp kép.

Tại các thị trường giàu truyền thống, Porsche có thể gặp rắc rối với những thay đổi này. Thêm động cơ tăng áp đồng nghĩa với các vấn đề như độ trễ của turbo khi tăng tốc; âm thanh ống xả thiếu lực hơn; xe nặng hơn và tính bền bỉ của động cơ turbo theo thời gian. Tuy nhiên, Porsche lại thực sự là tay chơi ‘có số má’ trong việc sử dụng động cơ tăng áp.

Từ những năm 1960, hãng bắt đầu nghiên cứu và phát triển động cơ turbo. Năm 1975, lần đầu tiên ra mắt 911 Turbo (mã 930) nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng tham dự giải đua tốc độ FIA. Một năm sau đó, 911 Turbo giành chức vô địch thế giới tại FIA 1976. Các đội đua khác cũng nhanh chóng có được chiếc cúp tại Le Mans, FIA… với 911 Turbo cho tới năm 1980, quy tắc của giải đua bị thay đổi.

911 thế hệ 997 (2005-2012) ghi danh Porsche là hãng xe đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ tăng áp điều khiển cánh VGT trên động cơ máy xăng. VGT trên máy dầu đã được sử dụng từ những năm 1990, bởi nhiệt lượng khí xả từ máy dầu ở ngưỡng giới hạn vật liệu thông thường có thể chịu được.

Nhưng máy xăng là câu chuyện khác. Nhiệt độ có thể lên tới cả ngàn độ C. Porsche kết hợp với Borg Waner sử dụng vật liệu từ ngành công nghiệp vũ trụ để giải quyết vấn đề trên. Từ công thức đó, nhiều hãng xe sau này đã tiếp thu và ứng dụng được VGT trên động cơ máy xăng.

Tại các thị trường mới nổi, thêm tăng áp đồng nghĩa việc tăng công suất và hiệu quả nhiên liệu tối ưu hơn. Những yếu tố này phù hợp với nhóm khách hàng thời đại mới. Họ mong muốn một chiếc xe thể thao danh tiếng, mạnh mẽ trên đường đua, nhưng vẫn có thể sử dụng đi lại hàng ngày.

Ở phiên bản 911 tiêu chuẩn, Porsche trang bị tới 6 chế độ vận hành thông qua núm xoay lấy cảm hứng từ dòng siêu xe 918 Spyder. Chế độ vận hành thông thường, tối ưu hoá nhiên liệu. Chế độ Sport với chân ga nhạy hơn, tua máy chuyển số chậm hơn. Sport Plus với ESP được tắt hoàn toàn. Individual cho phép người lái tuỳ chỉnh vô-lăng, bước chuyển số. Sport Responses kích hoạt qua nút bấm, cho phép chiếc xe trong 20s đạt công suất tối ưu nhất, hạn chế độ trễ của turbo trong điều kiện cần gia tốc ngay lập tức. Cuối cùng, chế độ trải nghiệm tăng tốc thể thao Launched Control – đặc sản của Porsche được người lái kích hoạt thủ công.

Porsche 911 có giá khởi điểm 6,1 tỷ đồng tại Việt Nam. Chiếc 911 mà Porsche Việt Nam đưa về phục vụ trải nghiệm lái cho giới nhà giàu Việt đã được thêm tới 2,1 tỷ đồng cho các trang thiết bị tuỳ chọn. Là khách hàng của hãng xe xứ Stuttgart thật khó lòng để mua một chiếc Porsche mà không có bất cứ tuỳ chọn gì.

Nếu không phải là người đã có nhiều trải nghiệm với 911 thế hệ trước, thật khó lòng nhận ra sự khác biệt giữa hai phiên bản về mặt hiệu năng. 911 thế hệ mới có thời gian tăng tốc nhanh hơn so với phiên bản cũ, dù động cơ giảm dung tích. Lực G-force trên 911 mới cũng khiến người lái xây xẩm mặt mày hơn khi trải nghiệm chế độ Launched Control.

Tuy đã có hàng loạt giải pháp nhằm hạn chế độ trễ của turbo, nhưng hiện tượng này vẫn dễ dàng nhận ra ở ngưỡng tua máy thấp, chân ga không thực sự nhạy cảm. Âm thanh ‘xé gió’ đặc trưng của chiếc 911 cũ cũng được thay thế bằng tiếng ống xả trầm hơn và chỉ thực sự ‘gắt gỏng’ ở ngưỡng tua máy ngoài 6.000 vòng/ phút.

911 thế hệ mới tăng tốc từ 0-100km/h trong 4,2 giây với hộp số PDK và gói thể thao Sport Chrono. Nhanh hơn 2/10 giây so với phiên bản cũ. Trong khi đó mức tiêu hao nhiên liệu đạt 7,4L/ 100km, giảm 0,8L.

Trong nỗ lực biến chiếc 911 trở lên hiền hoà hơn, Porsche cung cấp gói khung gầm PASM là trang bị tiêu chuẩn. Với PASM, 911 có khả năng tuỳ biến chiều cao khoảng 10mm thông qua bộ trợ lực dầu giảm xóc (không phải giảm xóc khí nén). Ngoài ra, Porsche cung cấp tuỳ chọn hướng lái bánh sau giúp tăng khả năng cơ động của chiếc xe với bán kính vòng quay giảm tới 500mm. Đồng thời, tuỳ chọn này cũng giúp chiếc xe ổn định hơn khi chuyển làn ở tốc độ cao.

Tính năng giải trí trong cabin của 911 cũng phong phú nhất từ trước đến nay. Hệ thống quản lý truyền thông PCM của Porsche được nâng cấp thông qua màn hình cảm ứng 7inch. PCM tương thích với các kết nối Apple CarPlay, ra lệnh bằng giọng nói hay sạc pin không dây cho điện thoại di động. Giao diện giải trí trong PCM cũng dễ dàng sử dụng và trực quan hơn so với thế hệ trước.

911 thế hệ 991.2 là câu trả lời rõ ràng nhất của Porsche với khách hàng trong thời đại mới. Giữa quá khứ và hiện tại, tại sao phải chọn một trong khi có thể có cả hai. Tương tự chính sách nhập cư nhân đạo của bà Thủ tướng Merkel, Porsche của nước Đức giờ đây đã thực sự mở cửa để đến với phần đông của thế giới./