Nhưng liệu mức giá này có xứng đáng với những gì mà chiếc xe đem lại? Liệu một mẫu SUV đến từ Trung Quốc mà giá ngang với các đối thủ Nhật – Hàn thì có nên lựa chọn? – Đây là câu hỏi khiến nhiều khách hàng đau đầu và lời giải sẽ có trong bài đánh giá này.

Nhìn lại lịch sử, Great Wall Motor được thành lập từ năm 1984, lấy tên tiếng Anh của Vạn Lý Trường Thành và chỉ sản xuất xe tải. Từ 1996, hãng mới mở rộng sang cả mảng sản xuất xe du lịch và cho đến hiện nay Great Wall Motor đã vươn lên đứng thứ 8 trong top 10 nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc.

Thế mạnh của hãng là xe bán tải và SUV. Điển hình vào năm 2021, Great Wall Motor đạt tổng doanh số 1,28 triệu xe – lọt top 3 doanh số xe PHEV tại Trung Quốc và chiếm thị phần lớn nhất trong phân khúc xe SUV tại thị trường Trung Quốc. Mẫu SUV mũi nhọn của hãng là Haval H6 cũng đang chiếm lĩnh nhiều thị trường quốc tế như Thái Lan, Úc, New Zealand…

Mới đây, nhà phân phối Thành An – với kinh nghiệm kinh doanh phân phối xe Hyundai lâu năm – đã chính thức cho ra mắt mẫu SUV Haval H6 kể trên với duy nhất một phiên bản HEV lai điện. Và trước khi có được cộng đồng người dùng đông đảo tại Việt Nam, hãy cùng xem Haval H6 được chuyên gia xe hơi nước ngoài đánh giá nó ra sao.

Điểm đáng chú ý đầu tiên, nói riêng về phiên bản HEV, Haval H6 sử dụng động cơ lai điện sở hữu mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình chỉ 5,8 L / 100 km; trong khi phiên bản Haval H6 trang bị động cơ 2.0L tăng áp thì “ăn uống” nhiều hơn hẳn với mức 8,2 L / 100 km. Tuy nhiên không chỉ tiết kiệm xăng hơn, Haval H6 HEV còn sở hữu sức mạnh vượt trội hơn đáng kể phiên bản sử dụng động cơ đốt trong.

Cụ thể, Haval H6 HEV cho công suất cực đại 243 HP và 530 Nm mô-men xoắn. Trong khi đó, Haval H6 bản 2.0 turbo chỉ đạt sức mạnh 202 HP và 320 Nm lực kéo. Không những mạnh mẽ hơn, Haval H6 HEV còn cho cảm giác tăng tốc rất “thuyết phục”.

Hộp số tự động 7 cấp ly hợp kép truyền sức kéo tức thời xuống các bánh xe với thuật toán phân bổ lực kéo rất hợp lý; khiến chiếc xe lao đi ngay khi người lái đạp ga mà không có bất kỳ một sự trễ nải nào. Gia tốc sản sinh cũng rất mượt mà và mạnh mẽ; chứng tỏ hệ thống điện được tối ưu với động cơ xăng rất tốt.

Hộp số 7 cấp ly hợp kép được tối ưu hoạt động mượt mà và êm ái như hộp số CVT. Thậm chí ở chế độ BEV, chiếc xe lướt đi êm ru hoàn toàn như xe thuần điện. Tuy nhiên vì sức mạnh tốt, cộng với dẫn động cầu trước nên trong một vài trường hợp – khi điều kiện mặt đường ướt hoặc trơn trượt; Haval H6 HEV có thể sẽ bị xoáy bánh và nhao lái nếu người lái đột ngột đạp ga lút sàn để tăng tốc.

Là phiên bản lai điện tự sạc nên Haval H6 HEV chỉ sở hữu bộ pin 1,8 kWh; được truyền năng lượng bởi máy phát tích hợp trong động cơ và hệ thống mô-tơ hồi năng khi xe phanh giảm tốc. Mẫu SUV này cũng chỉ có thể chạy thuần điện trong khoảng 1 – 2 km; tương tự như các xe HEV khác trên thị trường.

Tuy nhiên Haval H6 HEV thực sự được tối ưu rất tốt giữa việc điều phối sử dụng động cơ xăng (để tăng thêm sức mạnh) hay sử dụng động cơ điện (để giảm tiêu thụ nhiên liệu). Đến mức các chuyên gia New Zealand khẳng định đây là chiếc SUV lai điện tốt nhất mà họ từng được chạy; đặc biệt là ở dải vận tốc trên 50 km/h – xe cho cảm giác lái rất thoáng đãng và thoải mái.

Ở chế độ Eco, Haval H6 tiêu thụ thực tế khoảng từ 5 – 6L / 100 km đường đô thị – khá chuẩn theo như thông số mà nhà sản xuất đưa ra. Ở chế độ lái Normal, xe cũng chỉ tiêu thụ 8L / 100 km trong thành phố. Còn trên cao tốc / đường trường, xe “ăn uống” trung bình 6 – 7L / 100 km. Thêm vào đó, Haval H6 có thể sử dụng cả với xăng có chỉ số octan chuẩn 91; tức tương đương với E5 – 92 ở Việt Nam.

Ngoài khác biệt về cấu hình sức mạnh, phiên bản Haval H6 HEV cũng sở hữu ngoại hình đẹp mắt hơn, với mặt ca-lăng chrome kiểu lưới nhện khá giống với phong cách của các mẫu xe Peugeot và nhiều điểm nhấn ấn tượng khác. Còn về cơ bản, Haval H6 là một mẫu SUV được thiết kế theo phong cách thực dụng điển hình.

Haval H6 đã mạnh tay bỏ lốp dự phòng bên dưới sàn sau xe đi, do đó các ghế ngồi có thể gập phẳng để tùy biến không gian chứa đồ một cách linh hoạt. Khoảng để chân của cả 5 hành khách trên xe rất thoáng đãng và băng ghế sau có thể ngồi thoải mái được 3 người.

Ở phía bên trên, bảng táp-lô và táp-pi được bố trí rất khéo léo và đẹp mắt với da và nhựa mềm; chất lượng hoàn thiện tốt, cảm giác liền lạc và chắc chắn. Trong khi đó, phần nhựa cứng được đẩy hết xuống bên dưới – khá kín đáo; đem lại không gian cao cấp cho xe.

Tuy vậy, trải nghiệm sử dụng của Haval H6 vẫn còn bị ảnh hưởng bởi nhiều “gợn nhỏ”. Điển hình là việc mọi chức năng bị gom hết vào màn hình cảm ứng; nên để tùy chỉnh một số chức năng cơ bản ví dụ như chuyển chế độ lái, hành khách sẽ phải mày mò mất thời gian, chứ không đổi nhanh bằng phím cơ học được.

Bên cạnh đó, vị trí lái chưa thực sự đem lại sự thoải mái nhất cho người ngồi sau vô-lăng. Thao tác chỉnh vô-lăng cũng hơi phiền phức. Giao diện của màn hình đồng hồ ODO sau vô-lăng dù hiện đại nhưng tích hợp quá nhiều thứ; khiến những thông tin cơ bản như tốc độ, vòng tua nhìn rối mắt.

Đặc biệt, cần số cruise control (giống như BJ X7) cũng khiến thao tác sử dụng của người cầm lái trở nên gượng gạo. Việc tích hợp các phím điều chỉnh ga tự động lên vô-lăng như đa phần các mẫu xe hiện đại ngày nay cần thiết và tiện dụng hơn nhiều.

Thêm vào đó, hệ thống hỗ trợ lái trên Haval H6 HEV đem lại cảm giác xử lý chưa thực sự đáng tin cậy – khi đang giữ làn trên cao tốc mà gặp đoạn đường cong, hoặc trong một số tình huống giao thông phức tạp khác. Tính năng giữ làn thường xuyên hoạt động can thiệp quá mức đến nỗi gây phiền phức mỗi khi người cầm lái muốn đánh vô-lăng để rẽ.

Khi vào cua, hệ thống treo của xe cũng hoạt động không thực sự xuất sắc và có thể sẽ kích hoạt tính năng ESP (ổn định thân xe điện tử). Tuy nhiên camera lùi là một trong những tính năng vượt trội của mẫu SUV này: nó thực sự rất nét và có cả tính năng hỗ trợ đỗ xe hay đánh lái theo vệt bánh xe – điều này hơn hẳn các đối thủ trong cùng phân khúc.

Haval H6 HEV sở hữu thiết kế đẹp, công năng SUV điển hình, động cơ hybrid cho cảm giác lái thoáng đãng và đặc biệt là “hàng hà sa số” những tính năng như xe sang, bao gồm: cốp điện có đá cốp, hiển thị HUD, ghế có sưởi và thông gió, sạc không dây… khiến mức giá của xe không hề rẻ khi đặt cạnh các đối thủ đến từ Nhật – Hàn. 

Tuy vậy sẽ hợp lý hơn, nếu Haval H6 HEV vẫn giữ lại khối động cơ hybrid; nhưng đồng thời lược bỏ đi các tính năng tiện ích cao cấp để đánh đổi lấy một mức giá dễ tiếp cận hơn. Khi đó có lẽ khách hàng sẽ có nhiều động lực hơn để lựa chọn mẫu SUV Trung Quốc này.

Tuy nhiên dù sao cũng nên nhớHaval H6 là mẫu SUV bán chạy hàng đầu ở Trung Quốc, Úc hay Thái Lan – đều là các thị trường mạnh, có tính cạnh tranh cực kỳ cao. Còn tại Việt Nam thì sao? – Chắc chắn những cái tên như Honda CR-V (sắp ra mắt phiên bản hoàn toàn mới cuối năm nay, dự kiến cũng sẽ có biến thể hybrid); bộ đôi Hyundai Tucson – Kia Sportage; hay Ford Territory sẽ là đối thủ khó chơi của Haval H6 trên con đường chinh phục khách hàng Việt.