Trong khi nhiều nhà sản xuất xe ô tô đang phát triển song song cả xe điện và xe chạy động cơ đốt trong thì có không ít công ty chỉ “khởi nghiệp” với dòng xe “xanh”. 

So với các “ông lớn” trong ngành công nghiệp xe thì tuổi đời của các công ty xe điện còn khá non trẻ, tuy nhiên có một số hãng xe điện đã đạt được thành tựu vô cùng ấn tượng. Dưới đây là một số thương hiệu xe điện gây chú ý nhất trên thế giới.

Tesla

Tesla là nhà sản xuất xe điện và các linh kiện, phụ tùng cho xe điện, có trụ sở tại Hoa Kỳ. Công ty được thành lập vào tháng 7/2003 nhưng hoạt động ẩn danh, đến năm 2006 Tesla được biết đến khi công bố ra mắt dòng xe điện đầu tiên là Roadster, mẫu xe 2 chỗ ngồi với số lượng bán ra hạn chế. Sau nhiều năm nghiên cứu và sản xuất ra nhiều dòng xe điện, Tesla đã trở thành thương hiệu dẫn đầu về xe “xanh” trên toàn cầu.

Một số mẫu xe điện phổ biến nhất của hãng bao gồm Model S, Roadster, Model 3, Model X và Model Y. Hơn nữa, Tesla đã và đang đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng mạng lưới trạm sạc nhanh có tên Supercharger, cung cấp khả năng di chuyển đường dài.

Lucid Motors

Lucid được thành lập vào năm 2007 dưới tên gọi Atieva bởi Sam Weng – cựu phó Chủ tịch Tesla Motors , Bernard Tse – nhà đồng sáng lập Astoria Networks và nhà phát minh Sheaupyng Lin. Ban đầu hãng chỉ tập trung vào việc chế tạo pin xe điện và hệ thống truyền động cho các nhà sản xuất xe khác.

Atieva đã được đổi tên thành Lucid Motors vào tháng 10/2016 và chính thức công bố ý định phát triển một mẫu xe hạng sang chạy hoàn toàn bằng điện, hiệu suất cao mang tên Lucid Air. Nhưng phải đến tháng 9/2021, Lucid Motors mới bắt đầu sản xuất những chiếc Air sedan chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên của mình ở bang Arizona.

Lucid Air được thiết kế để cạnh tranh với Tesla Model S, Fisker Karma, Porsche Taycan cũng như các loại xe điện hạng sang khác do Mercedes-Benz, BMW và Audi sản xuất.

Polestar

Khi nhắc đến sự thành công và phát triển rực rỡ của xe điện tại châu Âu thì không thể bỏ qua Trung Quốc, nhà cung cấp cũng như phân phối lớn nhất cho thị trường này. Còn khi nhắc tới xe điện Trung Quốc tại châu Âu, thì không thể không nhắc tới Polestar. 

Polestar chính là công ty con của tập đoàn Geely, nổi tiếng trong lĩnh vực xe điện. Năm 2010, nhằm định hướng phát triển mở rộng ra thị trường quốc tế, Geely Holding Group đã mua lại hãng Volvo Cars từ Thụy Điển. Năm 2015, Volvo mua lại Polestar Performance và bắt đầu sản xuất các xe Volvo đi kèm cái tên Polestar.

Năm 2018, Polestar được định hướng chuyên về sản xuất ô tô điện với sản phẩm đầu tiên mang tên Polestar 1. Geely tập trung sản xuất Polestar với công nghệ về dây chuyền vận hành tại nhà máy ở thành phố Thái Châu, nơi cũng đang có dây chuyền sản xuất xe điện Volvo. 

Polestar có trụ sở chính đặt tại Gothenburg của Thụy Điển và được thừa hưởng những nét tinh túy từ thiết kế sang trọng, lịch sự của Volvo. Chính vì vậy mà hãng xe này nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng bởi phong cách đậm “châu Âu” của mình. 

Aspark

Nói đến cái tên Aspark, nhiều người chơi xe có thể sẽ cảm thấy lạ hoắc. Aspark được thành lập vào tháng 10 năm 2005 bởi doanh nhân Nhật Bản Masanori Yoshida tại Osaka. Trong những năm tiếp theo, công ty tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cho ngành ô tô, cũng như cho ngành công nghiệp nặng và ngành điện tử.  Đến giữa thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, Aspark bắt đầu nghiên cứu siêu xe điện với mục tiêu chế tạo ra một mẫu siêu xe điện phá vỡ mọi kỷ lục về hiệu suất trên thế giới. 

Mẫu xe “đầu tay” của Aspark là siêu xe Owl. Aspark Owl được trang bị 4 mô tơ điện sản sinh tổng công suất 1.982 mã lực và 2.000 Nm mô-men xoắn cực đại. Kết hợp với thân vỏ sợi carbon trọng lượng nhẹ, nó chỉ nặng 1,9 tấn với thời gian tăng tốc 0-100 km/h trong chỉ 1,69 giây theo nhà sản xuất, Aspark Owl chính là chiếc xe gia tốc nhanh nhất trên trái đất. Nó cũng là hypercar điện hợp pháp đi đường phố thấp nhất với chiều cao chỉ 988 mm.

VinFast

VinFast là một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực ô tô được thành lập vào năm 2017 với sự hậu thuẫn của Tập đoàn VINGROUP – doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Ngay từ bước khởi đầu, mục tiêu của thương hiệu là có thể tạo ra những sản phẩm đẳng cấp thế giới, mang bản sắc Việt Nam.

VinFast bắt đầu bằng việc chế tạo các mẫu xe chạy xăng nhưng đã dừng sản xuất xe động cơ đốt trong vào tháng 7/2022 để tập trung cho EV. Hiện VinFast đang tấn công mạnh mẽ đến thị trường SUV điện với các sản phẩm nổi bật như: VF 3, VF 6, VF 7, VF8 và VF9.

Fisker Inc.

Ít ai biết rằng, ngay trước khi VinFast chính thức lăn những dấu bánh xe đầu tiên trong chuyến đi “gõ chuông” nước Mỹ không lâu, đã có một đối thủ non trẻ vừa xuất hiện với những tham vọng tương tự như đại diện hãng xe tới từ Việt Nam. Đó chính là Fisker, hãng xe điện nội địa mới nhất nước Mỹ hiện nay. Thực tế Fisker là một hãng xe hơi khởi nghiệp không quá mới, thậm chí có khởi đầu tương tự Tesla nhưng trắc trở hơn.

Năm 2007, Henrik Fisker, người đàn ông được biết tới với việc thiết kế những mẫu xe hơi hạng sang cho Ford, BMW AG và Aston Martin, đã quyết định bắt đầu sự nghiệp dấn thân vào ngành công nghiệp ô tô khi cho thành lập hãng xe Fisker Automotive. 


 
Năm 2008, mẫu Fisker Karma được ra mắt và trở thành một trong những mẫu xe sang chạy bằng năng lượng điện đầu tiên trên thế giới, mở ra cuộc cách mạng về xe xanh toàn cầu. Cùng thời điểm này, hãng xe khởi nghiệp Tesla bắt đầu bán ra thị trường mẫu xe thể thao chạy thuần điện Roadster và bắt đầu gặt hái thành công.

Đến năm 2013, Fisker Automotive bất ngờ tuyên bố phá sản do doanh nghiệp buôn bán bết bát, buộc phải bán lại cho hãng ô tô Wangxiang tới từ Trung Quốc. Tuy nhiên, 3 năm sau đam mê với xe hơi của Fisker đã thôi thúc ông tiếp tục với con đường khởi nghiệp và ông đã thành lập nên công ty Fisker Inc. mới, đặt trụ sở chính tại Nam California.

Mẫu xe đầu tay của Fisker Inc. là Ocean, một chiếc SUV điện khá hay ho, thân thiện với môi trường và ứng dụng nhiều tính năng trong khoang nội thất, có khả năng chạy từ 400 cho tới hơn 550 km trên một lần sạc, tùy thuộc vào 3 phiên bản cao, cơ bản và thấp khác nhau.

Tuy nhiên, phải tới năm 2023, Fisker Ocean mới có thể chính thức lăn bánh. Nhưng dù sao thì người tiêu dùng Mỹ cũng đang rất đón chào tân binh này khi ghi nhận đã có 17.300 lượt đặt xe trả trước phí cọc cùng hàng chục nghìn khách hàng quan tâm. 

DeLorean Motor Company

DeLorean là tên của ông chủ hãng xe DMC – DeLorean Motor Company. DeLorean có một chuỗi thành tích đáng nể ở các hãng xe như GMC, Chevrolet và cao nhất là làm đến phó tổng giám đốc của toàn bộ chuỗi nhà máy sản xuất xe du lịch và xe tải của GM.

Năm 1973, DeLorean bỏ tập đoàn GM lập ra công ty xe hơi mang tên mình là DeLorean Motor Company (DMC). DMC-12 là mẫu xe đầu tiên của thương hiệu này. Tuy nhiên đến năm 1982 thì công ty DMC bị phá sản.

Một công ty có trụ sở tại Texas, Mỹ đã mua quyền sử dụng tên DeLorean Motor Company và hiện đang chế tạo chiếc ô tô điện đầu tiên DeLorean Alpha5. Chiếc xe này là một chiếc grand tourer bốn chỗ ngồi có trọng tâm thấp, hai bên là hai cửa cánh chim cỡ lớn. 

Với diện mạo hiện đại nhưng vẫn giữ được những đường nét cổ điển của mẫu DeLorean trong quá khứ, mẫu xe này có hệ số cản chỉ khoảng 0,23 cd và có thiết kế mang tính khí động học ấn tượng.

DeLorean Alpha5 được trang bị một bộ pin lớn 100 kWh giúp mẫu xe điện có khả năng vận hành lên tới mức 483 km mỗi lần sạc và theo dự kiến, mẫu xe Alpha5 có khả năng tăng tốc từ 0 – 96 km/h trong vòng 2,99 giây và có thể tăng tốc từ 0 – 142 km/h trong 4,35 giây. Chiếc xe này có khả năng đạt tốc độ tối đa lên tới mức 250 km/h.

Automobili Pininfarina

Trong quá khứ Pininfarina chỉ nổi danh trong lĩnh vực thiết kế xe. Vào năm 2015, tập đoàn Mahindra (Ấn Độ) đã mua lại Pininfarina với ý định chế tạo những chiếc ô tô mang thương hiệu Pininfarina. Ba năm sau, tập đoàn Mahindra ra mắt Automobili Pininfarina nhằm thực hiện kế hoạch đó. 

Năm 2019, Automobili Pininfarina tiết lộ chiếc xe sản xuất đầu tiên với tên gọi Battista. Đây là mẫu xe thể thao thuần điện sở hữu một trong những bộ thông số đẹp nhất làng xe toàn cầu với công suất 1.877 mã lực và mô men xoắn 2.300Nm, Battista có thể đạt tốc độ tối đa 350 km/h. Không những vậy, khối pin có dung lượng 120kWh còn cho phép chiếc xe chạy liên tục hơn 500km sau khi sạc đầy điện.

DEUS Automobiles

DEUS Automobiles là một cái tên còn rất mới mẻ, được thành lập năm 2020 ở Vienne (Áo) và ngay từ ý tưởng khởi đầu, hãng xe này đã muốn hợp nhất những thứ tinh hoa trong ngành công nghiệp ô tô hiện đại để tạo nên một sản phẩm có tính cạnh tranh cao, có chỗ đứng vững trên thị trường. DEUS đã chọn hai đối tác lớn: Italdesign là một tên tuổi lớn trong làng thiết kế xe, trong khi Williams Advanced Engineering nổi tiếng về các giải pháp cơ khí động lực học và đặc biệt là công nghệ truyền động điện theo kỷ nguyên mới.

DEUS Vayanne là mẫu xe “đầu tay” của thương hiệu và được tuyên bố là có công suất lên đến 2.200 mã lực, mô men xoắn là 2.000 Nm.Tốc độ tối đa là 400 km/h và tăng tốc từ 0 – 100 km trong vòng 1,99 giây.

Canoo

Canoo có trụ sở tại Bentonville, AR, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2021. Hãng xe được bắt đầu với tên gọi Evelozcity vào năm 2017, được thành lập bởi Stefan Krause và Ulrich Kranz sau khi rời Faraday Future cùng nhau. Công ty đã có một số dấu ấn lớn bao gồm thỏa thuận với Hyundai để cùng nhau phát triển nền tảng EV và Apple đã mời Canoo tham gia phát triển dự án EV của mình.

Thật không may, Canoo đã phá vỡ thỏa thuận với Hyundai trong khi Apple đã thành công chiêu mộ cựu CEO của Canoo, Ulrich Kranz. Bất chấp những thất bại, Canoo vẫn đang tiếp tục phát triển với những mẫu xe tải nhỏ và Walmart đã đặt hàng 4.500 chiếc để làm xe giao hàng. Đồng thời, Quân đội Mỹ yêu cầu Canoo cung cấp một phương tiện để sử dụng trong môi trường tác chiến. Nổi bật hơn cả, NASA đã chọn Canoo để cung cấp phương tiện cho chương trình Artemis của mình.

Nếu công việc kinh doanh diễn ra đúng như kế hoạch, chiếc xe bán tải của Canoo sẽ được bán trên thị trường vào năm 2023, tiếp đến là một chiếc sedan.

Faraday Future

Faraday Future được thành lập vào năm 2014 ở Los Angeles (Hoa Kỳ), bởi doanh nhân người Trung Quốc tên Jia Yueting. Thương hiệu này đặt tham vọng chế tạo những sản phẩm chạy điện sang trọng tốt nhất. Tuy nhiên đến năm 2019, CEO của công ty đã nộp đơn xin phá sản bởi các vấn đề tài chính và mâu thuẫn nội bộ.

Năm 2021, Faraday Future chính thức trở lại và cho ra mắt sản phẩm đầu tiên mang tên FF 91 Futurist Alliance. Theo công bố của nhà sản xuất đây là một chiếc crossover sang trọng sở hữu hiệu suất vượt trội. Nó sử dụng hệ thống ba động cơ tạo ra 1.050 mã lực và có thể đạt tốc độ 96 km/h chỉ trong 2,2 giây.